Trong khi giá rau, củ, thịt tại các chợ truyền thống và điểm bán nhỏ lẻ tại TP.HCM tăng chóng mặt thì tại các nhà vườn, hộ chăn nuôi lại điêu đứng vì giá thấp và không có đầu ra.
Những ngày qua, tại một số chợ ở TP.HCM, rau, củ quả là mặt hàng tăng giá mạnh, gấp 3-4 lần so với trước. Trong sáng 13/7, giá rau cải xanh, cải ngọt vẫn ở mức 30.000 đồng/kg, dưa leo lên 40.000 đồng/kg, rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg, xà lách 40.000 đồng/kg, cà chua, khoai tây 50.000 đồng/kg, rau muống 30.000 đồng/kg....
Tiểu thương ở các chợ lý giải rằng do 3 chợ đầu mối vẫn đóng cửa, nguồn cung khan hiếm và chi phí xét nghiệm cho tài xế chở hàng khá cao và hàng rau củ có thời hạn sử dụng ngắn. Do đó, họ phải cộng thêm vào giá sản phẩm.
Tuy nhiên, khảo sát tại các vườn rau thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn và Lâm Đồng cho thấy người nông dân lại điêu đứng vì giá rau xuống thấp, không có nguồn tiêu thụ.
Hiện giá rau tại chợ ở mức cao trong khi tại siêu thị, rau xanh luôn trong tình trạng hết hàng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Giá rau muống tại chợ cao gấp 10 lần ở nhà vườn
Nhiều ngày nay chị Lan Hương (nông dân trồng rau ở huyện Củ Chi, TP.HCM) phải lên mạng tìm người thu mua rau muống cho gia đình vì đến ngày thu hoạch không có đầu ra. Chị cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng rau tiêu thụ tại các vườn ở Củ Chi mỗi ngày một ít.
Đặc biệt, từ khi 3 chợ đầu mối ở TP.HCM ngưng hoạt động, các tiểu thương không thế đến vườn nhập rau. "Rau muống tại huyện đang bị bỏ đi rất nhiều vì không có người mua. Tôi kêu gọi mọi người giải cứu rau cho người dân và một phần cũng bán từ thiện với giá rẻ", chị nói.
Chị Hương cho biết giá bán rau muống bán ra ở vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg. Tương tự, từ thời điểm nhiều khu vực huyện Hóc Môn phong tỏa, chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa, một số cá nhân cũng lên mạng bán rau online giải cứu giúp bà con nông dân với giá 4.000-8.000 đồng/kg.
Chị Hoàng Trang, thành viên của một nhóm thiện nguyện cho biết chị đến các nhà vườn ở huyện Hóc Môn thu mua rau về phát cho người dân khó khăn ở TP.HCM. "Hiện, nông dân tại đây đều gặp khó khăn vì không thể đem xe kéo đi bán dạo, thương nhân cũng không đến mua. Họ không rành công nghệ nên cũng không bán online được", chị kể.
Trong khi rau tại vườn chỉ 2.000-4.000 đồng/kg thì tại chợ giá đội lên gấp 10 lần. Ảnh: Trịnh Huyền. |
Hơn nữa, theo chị Trang, nông dân trồng rau nhiều năm chỉ tập trung bán tại chợ đầu mối. Đến nay chợ đầu mối tại TP.HCM ngưng hoạt động khiến cho họ cũng điêu đứng theo.
Chị Trang cho biết hiện giá bán rau tại nhà vườn ở Hóc Môn rẻ hơn rất nhiều so với ở chợ. Cụ thể, rau muống 4.000 đồng/kg, cải ngọt, cải bẹ xanh 6.000 đồng/kg, xà lách 8.000 đồng/kg...
Trong khi đó, hoàn cảnh của ông Trần Văn Hoàn - chủ vườn rau muống tại huyện Hóc Môn - cũng không khả quan hơn. Rất ít thương nhân vào mua hàng khiến nhiều 3 ha rau muống của ông có nguy cơ cắt bỏ.
Tương tự, tại các nhà vườn ở Lâm Đồng, giá bán các loại nông sản cũng ở mức khá thấp. Theo số liệu từ Trung tâm khuyến nông tỉnh, do thị trường tiêu thụ giảm bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, một số chợ đầu mối tại TP.HCM đóng cửa nên rau, củ, quả như xà lách các loại, su hào, ớt chuông Đà Lạt... đều giảm.
Cụ thể giá xà lách coron và xà lách lolo xanh 4.000 đồng/kg, đều giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg; xà lách cuộn 5.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg; su hào 10.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt (màu đỏ và vàng) 6.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 6.
Heo hơi 55.000-56.000 đồng/kg, ra chợ vẫn 160.000 đồng/kg
Cùng tình cảnh với giá rau xanh, hiện giá heo hơi xuất chuồng ở Đồng Nai giảm tương đối mạnh, còn 55.000-56.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt tại các chợ và siêu thị TP.HCM trong thời điểm giãn cách xã hội vẫn ở mức cao.
Tại một chợ nhỏ ở quận Bình Thạnh sáng 13/7, giá thịt heo vẫn ở mức 150.000-160.000 đồng/kg đối với sườn non, 130.000-140.000 đồng/kg ba rọi, 130.000 đồng/kg nạc vai...
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - cho biết tại thời điểm này, các trang trại chăn nuôi đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM, địa điểm phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động khiến giá heo hơi thấp chưa từng thấy.
Hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo.
Giá thịt heo cũng đang có sự chênh lệch lớn giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng. Ảnh: Trương Khởi. |
"Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được", ông nói.
Trong khi đó, theo ông Công, giá bán lẻ tại các chợ truyền thống đến tay người tiêu dùng lại đang tăng do các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.
"Ngoài ra, chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa lại tăng do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Do đó, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng tăng theo. Thực trạng trên tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng", ông Công đánh giá.
Nỗ lực hạ nhiệt giá thực phẩm
Ông Đào Đặng Vân Phi - Giám đốc hợp tác xã thương mại, dịch vụ Vân Dương (huyện Hóc Môn, TP.HCM) - cho biết nhiều nông dân tại huyện đang gặp khó khăn vì rau không có nguồn tiêu thụ.
"Trong 4 ngày vừa qua, chúng tôi đã đứng ra liên hệ các nhà hảo tâm trên địa bàn TP.HCM xuống tận các vườn rau hỗ trợ nông dân mua hàng. Đến nay, chúng tôi đã thu mua giúp bà con nông dân được khoảng 15 tấn rau muống", anh nói với Zing.
Mỗi ngày, Hợp tác xã Vân Dương sẽ liên hệ hỗ trợ giúp bà con khoảng 3-4 tấn rau, giá bán khoảng 2.000-3.000/kg rau muống. Toàn bộ số rau này được chuyển đến các khu phong tỏa cách ly và phân phát cho người dân.
Mới đây, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng thành lập một điểm tập kết, trung chuyển rau củ, trái cây rộng gần 8.500 m2 phía sau chợ nhằm ngăn chặn đầu cơ, tăng giá rau củ. Nếu điểm tập kết hoạt động hết công suất, mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000-1.500 tấn hàng hóa rau củ quả, trái cây được giao cho các siêu thị, bếp ăn tập thể và các điểm bán tại TP.HCM.
Cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá rau, củ, thịt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đối với mặt hàng thịt heo, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi UBND tỉnh và các ban ngành đề xuất việc mở cửa hàng bán thịt heo tại TP Biên Hòa để vừa hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ thịt vừa hạ nhiệt giá sản phẩm.
Tại địa điểm trên, các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, mặt bằng thông thoáng, ngay trục đường chính nên thuận lợi cho việc phân phối.
"Hiệp hội cam kết bán đúng giá, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tự. Nhân viên có giấy xét nghiệp âm tính với Covid-19, tuân thủ 5K. Nguồn heo lấy từ các trang trại chăn nuôi trong địa bàn tỉnh", chủ tịch Hiệp hội cho biết.
Đại diện Cục quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán tại các chợ, cửa hàng và xử lý những trường hợp nâng giá bán không hợp lý các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để trục lợi.
(Theo Zing)