Chăm trâu như chăm người
Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) luôn có nhiệt độ thấp từ 12 đến 17 độ, gây không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chính vì vậy để chăn nuôi được trâu bò thì người dân cũng rất vất vả, mà mỗi ai từng đến đây chứng kiến sẽ phải thốt lên như lời trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh nói: “Ở Sin Suối Hồ chúng tôi mùa lạnh chăm trâu phải hơn chăm người”.
Những ngày giá rét, nhiều nông dân chọn giải pháp nhốt trâu bò trong chuồng chứ không đi chăn thả.
Chúng tôi lên Sin Suối Hồ vào giữa trưa nhưng khắp bản làng vẫn mây mù ngập lối. Trong cái rét như kim châm, anh Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ tranh thủ nấu nước ấm cho 4 con trâu uống. Anh Chỉnh cho biết: Lạnh giá thế này, nếu không đun nước ấm thì trâu bò uống nước lạnh vào dễ mắc bệnh lắm. Vì thế nhà nào cũng đưa trâu bò về nuôi nhốt và nấu nước ấm cho uống. Thức ăn phải chuẩn bị sẵn quanh nhà, ngoài thức ăn xanh như cỏ voi, rơm rạ, lá cây lấy trên rừng, mỗi ngày 2 lần người dân nấu bột ngô hoặc cám gạo cho trâu bò uống, nhờ thế mà dù giá lạnh trâu bò vẫn béo tốt.
Gia đình anh Chỉnh đang nuôi 4 con trâu cái. Trước ngày rét về, gia đình anh đã tu sửa chuồng trại cho trâu, che chắn kín đáo, dọn dẹp khô ráo. "Những đêm rét đậm rét hại, tôi phải thức canh và đốt lửa sưởi sấm cho trâu thì mới yên tâm được" – anh Chỉnh cho biết thêm.
Ở Sìn Hồ, nhiều nông dân đã hình thành thói quen dự trữ thức ăn cho trâu, bò vào những ngày đông giá rét.
Để chủ động phòng chống rét cho đàn vật nuôi, chính quyền từ huyện đến của Phong Thổ đã lên kế hoạch, triển khai về các thôn, bản thực hiện phòng chống rét cho trâu bò và các vật nuôi khác. Đến thời điểm hiện tại, 100% hộ có trâu bò đều che chắn chuồng trại cẩn thận. Người dân trồng hàng chục ha cỏ voi và dự trữ các loại tinh bột lương thực, tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp đảm bảo thức ăn cho trâu bò ăn trong những ngày mưa rét.
Ông Sùng A Lùng – Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu cho biết: “Chúng tôi phân công các cán bộ, nhân viên, bộ phận chuyên trách bám bản để hướng dẫn bà con cách phòng chống rét. Nhắc nhở bà con dự trữ thức ăn cho trâu bò, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Nhất là mùa mưa, ngày lạnh giá thì không được thả rông trâu bò lên rừng”.
Quyết không để “đầu cơ nghiệp” gục ngã vì đói rét
Nhiều hộ chăn nuôi ở Lai Châu phải nấu nước ấm cho trâu, bò uống trong mùa đông.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện tổng đàn gia súc có gần 350 nghìn con, trong đó đàn trâu gần 100 nghìn con; đàn bò 18 nghìn, đàn lợn trên 230 nghìn con. Tuy nhiên người dân một số xã biên giới khó khăn còn chăn nuôi theo hình thức thả rong, khi rét đậm rét hại xảy ra trâu bò dễ chết cóng.
Chính vì vậy ngay từ đầu mùa lạnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cấp huyện tuyên truyền vận động người dân chủ động giữ trữ thức ăn đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, gia cố, che chắn chuồng trại tránh để gia súc bị chết vì đói, rét. Đồng thời tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh để chủ động xử lý dập dịch kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Được chăm sóc cẩn thận, đàn trâu bò ở Sìn Hồ, Phong Thổ con nào con nấy cũng béo khỏe.
Ông Phạm Anh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 16, nội dung chính là giao cho UBND các huyện và Sở Nông nghiệp cập nhật diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời thông báo đến người dân kịp thời phòng chống rét cho trâu, bò, gia súc. Thứ hai là chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân dự trữ thức ăn cho gia súc để đối phó với thời tiết bất lợi…”.
Những trường hợp không chấp hành Chỉ thị của UBND tỉnh về phòng chống rét cho trâu bò, không thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ thú y thì sẽ lập biên bản xử lý, nếu trâu bò xảy ra chết chóc thì sẽ không được hỗ trợ – ông Hùng cho biết thêm.