Trong tuyên bố Đà Nẵng – tuyên bố chung được đưa ra sau khi Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 kết thúc, các nhà lãnh đạo đã cam kết chống lại “mọi tập quán thương mại không công bằng” và kêu gọi “nhanh chóng dỡ bỏ các hình thức trợ giá làm bóp méo thị trường”.
“Chúng tôi sẽ hợp tác để bảo đảm thương mại bao trùm hơn, ủng hộ tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường, và xử lý các thực tiễn thương mại không công bằng. Chúng tôi kêu gọi nhanh chóng dỡ bỏ các hình thức trợ giá làm bóp méo thị trường cũng như các loại hình hỗ trợ khác của chính phủ hay các đơn vị liên quan”, tuyên bố có đoạn.
Bản tuyên bố còn đề cập đến tầm quan trọng của các hiệp định thương mại song phương bên cạnh các hiệp định đa phương, đồng thời kêu gọi cùng hợp tác để cải thiện hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Theo nhận định của Reuters, đây là bản tuyên bố in đậm dấu ấn của nỗ lực tái định hình bức tranh thương mại toàn cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi.
Hội nghị lần này đã chứng kiến tầm nhìn đối lập giữa lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới – Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” khác biệt hoàn toàn với quan điểm truyền thống tập trung vào các hiệp định thương mại đa phương mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn dẫn dắt.
Trong bài phát biểu tại APEC CEO Summit ngày 11/11, ông Trump nói rằng Mỹ đã bị thua thiệt vì các nước khác không chơi theo luật, sử dụng những chính sách trợ giá và các biện pháp khiến thương mại bị bóp méo, dẫn đến kết quả là nhiều nước châu Á đã có thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết đầu tuần trước bộ trưởng thương mại và ngoại trưởng của các nước đã tranh luận về các từ ngữ sẽ được sử dụng trong bản tuyên bố chung. Trước việc Mỹ hối thúc thay đổi, 20 nền kinh tế còn lại vẫn đảm bảo được chuyện thúc đẩy tự do thương mại và thể hiện thái độ chống chủ nghĩa bảo hộ trong bản tuyên bố chung. Hơn nữa đó cũng chính là những lý do cốt lõi để APEC ra đời năm 1989
Bên cạnh đó, bên lề APEC, 11 quốc gia đã “cứu sống” TPP – hiệp định thương mại đa phương đã phải đối mặt với tương lai mù mịt suốt kể từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức hồi tháng 1 năm nay và tuyên bố rút khỏi để bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Dù so với thỏa thuận ban đầu 20 điều khoản đã bị treo, đây vẫn là 1 thắng lợi lớn.