Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đang có kế hoạch xây dựng một trong những khu công nghiệp lớn nhất ở bờ biển phía bắc đảo Java, nhằm thu hút các nhà sản xuất di dời khỏi Trung Quốc sau thoát khỏi tình trạng "khóa cửa" do coronavirus gây ra.
Mức lương thấp và thị trường nội địa khổng lồ của Indonesia, mặc dù là những ưu thế lớn, nhưng vẫn phải vượt qua những rào cản đã tồn tại hàng thập kỷ như các biện pháp bảo hộ, luật lao động cứng nhắc và cơ sở hạ tầng nghèo nàn để có thể tiến lên trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Lần này, trong nỗ lực chạy đua với các đối thủ như Việt Nam, Chính phủ Indonesia đã thể hiện ý định nghiêm túc trong việc mang lại sự thay đổi và hướng tới việc thông qua dự luật 'Omnibus' đầy tham vọng vào cuối năm nay, để giải quyết một số vấn đề cấp bách của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, họ đang đẩy mạnh các kế hoạch cho một khu công nghiệp rộng 4.000 ha, tương đương với hơn 5.000 sân bóng đá, ở Brebes, Trung Java - chủ yếu nhắm vào các chuỗi cung ứng di dời khỏi Trung Quốc.
Ahmad Fauzie Nur, Ciám đốc điều hành của PT Kawasan Industri Wijayakusuma, một công ty điều hành khu công nghiệp cho biết, đây là một dự án thí điểm cho Indonesia.
"Trong một nỗ lực để tránh các vấn đề liên qua đến đất đai, Chính phủ sẽ sử dụng luật để mua đất với giá rẻ và đảm bảo giá thuê thấp tại khu công nghiệp", Fauzie Nur nói. Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan được cho là đã quan tâm đến việc xây dựng một nhà máy ở Indonesia vào năm 2014 nhưng đã hủy bỏ các kế hoạch do vấn đề đất đai.
"Mức tiền lương tối thiểu thấp của Indonesia, 1,9 triệu IDR (135,14 USD)/tháng, là một lợi thế khác", ông Fauzie Nur tin rằng khu công nghiệp này có thể cạnh tranh với Việt Nam và Thái Lan, những người hưởng lợi về thu hút các nhà đầu tư trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Một quan chức của Bộ Đầu tư và các vấn đề hàng hải của Indonesia ước tính, giai đoạn đầu tiên của khu công nghiệp sẽ tiêu tốn 3,8 nghìn tỷ IDR (tương đương 275 triệu USD).
"Với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và đại dịch, các công ty đã nhận ra rằng trong 25 năm qua, họ đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc", Yose Rizal Damuri, một nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Ông Damuri cho rằng khi các công ty có khả năng quyết định tái cấu trúc chuỗi cung ứng vào năm tới, Indonesia nên sẵn sàng từ sớm. Trong những năm gần đây, Indonesia đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu từ vào các lĩnh vực như tài nguyên, công nghệ và các lĩnh vực khác như kho bãi và hậu cần, nhưng không tập trung vào ngành sản xuất.
Chủ tịch Joko Widodo năm ngoái đã nói với nội các của mình rằng: "Chúng ta có vấn đề với môi trường đầu tư", ông cũng trích dẫn một báo cáo nội bộ của Ngân hàng Thế giới chỉ ra trong số 33 công ty chuyển từ Trung Quốc 23 đã chọn Việt Nam trong khi những người khác chọn Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Không ai đến Indonesia.
Để đáp lại, ông Widodo đã chuẩn bị một dự luật hàng đầu thế giới "omnibus" - để thay thế khoảng 80 quy định chồng chéo cản trở kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư tổng thể, nhưng đại dịch đã làm chậm sự cân nhắc của quốc hội.
Lin Neumann, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Indonesia, hoan nghênh mọi ưu đãi mà khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng mới đưa ra nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua dự luật, cũng như mở ra nhiều lĩnh vực được bảo vệ hơn cho đầu tư nước ngoài.
"Omnibus sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là môi trường đầu tư có thể thay đổi trên toàn quốc", ông Neumann nói.