Xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 34% phần trăm trong 9 tháng đầu năm nay, và một số công ty bao gồm cả công ty mẹ của Google là Alphabet Inc và Nintendo đã công bố kế hoạch mới để xây nhà máy. Các thỏa thuận thương mại mới của Việt Nam, trong đó có EVFTA cũng trở thành một điểm nhấn thu hút.
Jef Stokes của Maxport, một nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Việt Nam nói: "Nhân lực mới, chưa có kỹ năng thì rất dồi dào. Nhưng ngay cả những công nhân may cơ bản cũng sẽ cần được đào tạo ít nhất 6 tháng, vì vậy sự kiên nhẫn chính là chìa khóa. Họ có nguồn lao động vẫn còn dư thừa, đúng là vậy, nhưng lượng ứng viên có trình độ cao thì chưa thể đáp ứng được ngay" Stokes nói. "Đây là điểm nghẽn".
Các nhân viên công nghệ thông tin, kỹ sư và nhà quản lý được đào tạo khá tốt và về cơ bản là đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam. Nhưng nhu cầu bổ sung từ những doanh nghiệp "tị nạn" chiến tranh thương mại làm gia tăng áp lực lên nhóm công nhân có tay nghề cao, chủ nhà máy, chuyên gia tư vấn và các công ty tuyển dụng.
Việc thiếu hụt nhân công lành nghề là điều không quá đáng ngạc nhiên: dân số Việt Nam chỉ bằng 7% so với Trung Quốc. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng vẫn trong quá trình hoàn thiện và theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần chi trung bình 6,7 tỷ USD mỗi năm để mở rộng công suất phát điện hàng năm thêm 10% từ năm 2016 đến năm 2030.
Michael Sieburg, thuộc công ty tư vấn YCP Solidiance, cho biết, xu hướng tập trung nguồn lực vào lĩnh vực công nghệ cao và tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực do chiến tranh thương mại đã có tác động lớn đến lao động kỹ năng cao ở Việt Nam. Chỉ 12% lực lượng lao động 57,5 triệu người của Việt Nam có tay nghề cao, theo công ty tuyển dụng Manpowergroup. Điều này đã tạo ra một cuộc chạy đua nhân lực giữa các nhà đầu tư mới.
Nguyễn Quang Anh, một nhà phát triển phần mềm 28 tuổi đến từ Hà Nội cho biết anh đã được các công ty săn đầu tiếp cận nhiều lần kể cả trước khi anh tốt nghiệp. Kể từ khi rời trường đại học, Quang Anh đã nhảy việc bốn lần, mỗi lần tăng lương ít nhất 50%: "Vì sự thiếu hụt, các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho chúng tôi với mức lương cao hơn nhiều. Nếu các đại gia công nghệ chuyển đến Việt Nam do chiến tranh thương mại, tôi chắc chắn sẽ ứng tuyển".
Giải pháp khả thi có thể là thuê chuyên gia nước ngoài về đào tạo. Khi Vingroup, bắt đầu đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, ban đầu, họ phải sử dụng nhân lực nước ngoài. Ra mắt bước đi đột phá vào ngành công nghiệp ô tô, ít nhất năm thành viên của nhóm lãnh đạo Vinfast đời đầu, kể cả CEO, là các "cựu binh" từ General Motors.
Mặc dù Vingroup không có kinh nghiệm sản xuất xe trước đây - họ vốn tập trung vào công nghệ, dịch vụ và bất động sản - nhưng đã tập hợp được một đội ngũ quản lý tài năng từ các nhà sản xuất ô tô hàng đầu, bao gồm FCA, Ford, General Motors và Tata.
VinFast được dẫn dắt bởi Giám đốc điều hành Jim Daluca, người đã dành 16 năm tại General Motors trong một loạt các vai trò. Shaun Calvert là Phó chủ tịch phụ trách sản xuất của General Motors và Sam Casabene là phó chủ tịch mua hàng của Ford.
"Các chuyên gia nước ngoài đã giúp đào tạo nhân lực Việt Nam của chúng tôi" Vingroup cho biết trong một tuyên bố. "Mô hình này đã được áp dụng ở các công ty lớn của Việt Nam trước quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng".
Một giải pháp khác là mở rộng đào tạo nghề. Năm 2016, chính phủ Việt Nam đã công bố chiến lược phát triển lực lượng lao động lành nghề để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế và đưa đất nước ngang tầm với phần còn lại của khu vực ASEAN.