Tháng 7 vừa qua, nhiều nhà máy tại các quốc gia khu vực châu Á đang dần phục hồi hoạt động sản xuất, sau khoảng thời gian phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do đại dịch. Đây là một dấu hiệu tích cực, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, cho thấy triển vọng tích cực rằng nền kinh tế trong khu vực sẽ nhanh chóng vực dậy sau cú sốc giai đoạn trước đó.
Một cuộc khảo sát trong khu vực tư nhân chỉ ra rằng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu trong nước được cải thiện đáng kể. Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ hai sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và thị trường toàn cầu. Điều này sẽ khiến cho việc phục hồi sản xuất trong các nhà máy khu vực châu Á trở nên khó khăn hơn.
Chuyên gia Stefan Angrick, Oxford Economics nhận định: "Nhật Bản sẽ trải qua một cuộc phục hồi chậm và kéo dài do sự thu hẹp chi tiêu của người tiêu dùng".
Ông Stefan Angrick cho biết: "Một số đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản đang phục hồi ở tốc độ rất chậm. Điều này có thể sẽ khiến cho xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn"
PMI của Trung Quốc đã tăng từ 51,2 điểm trong tháng 6 lên đến 52,8 vào tháng 7, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp và là bước nhảy vọt lớn nhất kể từ tháng 1/2011.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà máy cũng đã có những chuyển biến tích cực trong công cuộc khôi phục hoạt động sản xuất. Điều này cho thấy áp lực các nhà máy sản xuất phải gánh chịu đã giảm bớt và tăng hy vọng rằng họ đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất.
Chỉ số quản lý thu mua PMI của Jibun Bank Nhật Bản thống kê đã tăng từ 40,1 điểm trong tháng 6 lên đến 45,2 điểm trong tháng 7, đáng dấu mức suy thoái thấp nhất trong 5 tháng vừa qua.
Đồng thời, chỉ số quản lý thu mua PMI của IHS Markit tại Hàn Quốc cũng đã tăng từ 43,4 điểm trong tháng 6 lên đến 46,9 điểm trong tháng 7. Đây cũng là mức điểm cao nhất kể từ tháng 1 tại quốc gia này, làm giảm áp lực trong ngành sản xuất cũng như đối với các đơn đặt hàng mới.
Kỳ vọng về nhu cầu thị trường cũng như sản lượng sản xuất tại Hàn Quốc trong 12 tháng tới đã tăng vọt. Mặc dù vậy, xuất khẩu tại Hàn Quốc đang chiếm 40% nền kinh tế trên thị trường. Đây vẫn là một mối lo ngại cho sự phục hồi kinh tế quốc gia này.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua tại Việt Nam và Philippines, PMI đã có dấu hiệu trượt nhẹ, cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn trong việc phục hồi nền kinh tế.
Cú sốc từ việc đóng cửa nền kinh tế và các chính sách giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn virus đã đẩy nhiều nền kinh tế châu Á rơi vào suy thoái bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
Trong khi một số quốc gia đã nới lỏng các hạn chế, Nhật Bản đang đứng trước những nguy cơ suy thoái kinh tế tăng cao với số ca nhiễm dịch tăng lên một cách đột biến.