Sau khi tuyên bố cơ bản đẩy lùi được Covid-19, Việt Nam đã tự định vị là một nơi an toàn để kinh doanh, tận dụng cơ hội từ nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất quốc tế.
Các chuyên gia y tế công cộng được phỏng vấn bởi Reuters cho biết, Việt Nam đã báo cáo 288 trường hợp dương tính (các ca gần đây đều là nhập khẩu) - con số tương đối nhỏ và tử vong bằng 0, đưa quốc Việt Nam vào cuộc đua khôi phục nền kinh tế sớm hơn hầu hết những nơi khác.
"Với việc phản ứng nhanh với virus, chúng tôi dự báo đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch", Kizuna Joint Development Corp - công ty chuyên xây dựng nhà máy tại Việt Nam, nói với Reuters.
Công ty này có cơ sở khách hàng chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Kizuna cho biết họ đang đẩy nhanh kế hoạch hoàn thành một nhà máy rộng 100.000 mét vuông ở miền Nam Việt Nam với dự đoán nhu cầu sẽ gia tăng sau đại dịch. "Không gian nhà máy sẽ sẵn sàng vào tháng 7", phía Kizuna thông tin.
Các nhà cố vấn hỗ trợ công ty nước ngoài việc di dời quốc tế cho biết: Thành công của Việt Nam trong việc đối phó với đại dịch đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Michael Sieburg, Đối tác tại công ty tư vấn YCP Solidiance (tập trung vào khu vực châu Á) nói: "Qua nhiều cuộc thảo luận, tôi thấy rằng Việt Nam sẽ nổi bật lên hơn nữa so với nhiều nước trên thế giới trước "radar" thăm dò của các nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam có vị trí tốt để hỗ trợ các nhà sản xuất tìm kiếm cơ sở sản xuất mới.
"Những cơ hội này sẽ bao gồm việc chuyển dịch đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang các khu vực khác, bao gồm Đông Nam Á", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết trong một tuyên bố. "Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên".
Trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi những bất lợi ở đây như chi phí lao động gia tăng và thất bại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Họ đã để mắt Việt Nam. Danh mục thỏa thuận thương mại ngày càng mở rộng, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA), cũng là một yếu tố khuyến khích đầu tư.
"Chính phủ đang thận trọng, một điều dễ hiểu. Vì vậy, mặc dù có nhiều tiềm năng, các nhà đầu tư vẫn còn gặp khó khăn khi ký hợp đồng hoặc đến thăm các cơ sở", theo ông Samuel Pursch của Vriens & Partners, công ty tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Theo khảo sát của chính phủ, 85,7% trong số 126.565 doanh nghiệp được thăm dò tại Việt Nam cho biết họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, trong đó những công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không, du lịch, thực phẩm và giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Sau 5 năm tăng trưởng, đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm đã giảm 15,5% xuống còn 12,3 tỷ USD, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO). Tuy nhiên, Việt Nam đang nhắm mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm trên 5% trong năm nay. Nếu thực sự đạt được, đây sẽ là con số tăng trưởng tốt hiếm hoi khi nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với suy thoái sâu sắc.
Fred Burke, Đối tác quản lý tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie, cho biết phản ứng đại dịch đã trấn an các doanh nghiệp có hoạt động tại Việt Nam, điều này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. "Việt Nam đã tạo ra thiện chí đáng kể", Burke nói. "Cũng từng có giả thuyết, khi đối mặt với dịch bệnh, các công ty nước ngoài sẽ quay trở về quê nhà của họ ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu, và thậm chí Đông Bắc Á. Nhưng lần này, với tỷ lệ tử vong cao ở những khu vực đó, mọi người thậm chí sẽ cảm thấy an toàn hơn ở đây".