Bản kế hoạch 5 năm đã nâng mức GDP mục tiêu giai đoạn 2021-2025 lên 6,5-7%, cao hơn con số 6% trước đại dịch. Đặc biệt, Việt Nam sẽ ngày càng thúc đẩy vai trò của mình với tư cách là trung tâm sản xuất chủ chốt của những "gã khổng lồ" như Tập đoàn Samsung hay Intel.
Bên cạnh đó, vượt ra ngoài một điểm đến lao động giá rẻ, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của thế giới. Đặc biệt, những lợi thế lớn từ các hiệp định thương mại tự do và xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ sở hình thành nhiều mục tiêu vượt trội.
Dựa trên đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt Nam hướng tới trở thành một quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2045, đồng thời cuộc chiến chống tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục được thúc đẩy.
"Nhưng để đạt được những mục tiêu nói trên thì trước hết phải ngăn chặn được đại dịch trong ngắn hạn", Reuters nhận định.
Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch 5 năm là tập trung vào các khoản đầu tư công nghệ cao. Trong đó, các dòng vốn FDI sẽ chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, chú trọng xem xét những rủi ro môi trường.
Kết quả nổi bật trong tháng đầu tiên của giai đoạn 5 năm, Tập đoàn Công nghệ Foxconn đã được cấp phép đầu tư 270 triệu USD vào Việt Nam khi chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, nhà sản xuất chip của Mỹ là Intel cũng quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam thêm 475 triệu USD, qua đó đưa tổng vốn lên 1,5 tỷ USD.
Theo đó, kế hoạch nêu rõ, Việt Nam sẽ không cho phép triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu và có thể gây ô nhiễm môi trường.