Một số người mất tài khoản điện thoại và tiền trong thẻ ngân hàng do làm theo lời mời đăng ký gói cước 5G hoặc nâng cấp thành sim 5G; số khác cung cấp số tài khoản ngân hàng nhận giúp tiền nhưng trước khi nhận lại chuyển tiền đi…
Chiêu thức ngày càng tinh vi hơn
Chị T.N. (ngụ tại TPHCM) kể, chồng chị nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại di động mời tham gia gói cước 5G khuyến mãi. Người gọi hướng dẫn chồng chị N. soạn tin nhắn theo cú pháp rồi gửi 901 để đăng ký. Tin nhắn vừa gửi xong thì điện thoại chồng chị N. bị mất sóng. Sinh nghi, chồng chị N. liền chuyển hết tiền trong tài khoản ngân hàng và yêu cầu nhà mạng khóa sim điện thoại. Nhờ kịp khóa sim nên số tiền trong tài khoản ngân hàng còn nguyên nhưng tiền trong thẻ tín dụng có hạn mức 45 triệu đồng đã bị kẻ gian lấy mất 5 triệu đồng để thanh toán hóa đơn điện nước, mua hàng.
Khi chị N. chia sẻ câu chuyện này lên Facebook, một số người vào bình luận, cho biết mình cũng là nạn nhân, dính chiêu lừa tương tự. Tần suất tin nhắn và cuộc gọi mà khách hàng nhận được xuất hiện đều đặn hằng tuần; nhiều khách hàng còn nhận được cuộc gọi thông báo nâng cấp sim 4G và nhân viên sẽ đến tận nhà để thay sim.
Khách hàng nên trực tiếp đến các phòng giao dịch, đại lý của nhà mạng hoặc gọi tổng đài để tìm hiểu các dịch vụ được giới thiệu từ các cuộc gọi và tin nhắn lạ |
Chiêu đánh cắp (hack) tài khoản Facebook rồi nhắn tin mượn tiền đã có từ nhiều năm trước nhưng hiện nay, thủ đoạn được “nâng cấp” tinh vi hơn. Chị T.N.N. nhận được cuộc gọi video của một người thím đang sinh sống ở Mỹ nhưng chỉ thấy hình ảnh nửa mặt của thím rồi video tự tắt chỉ sau vài giây. Cuộc gọi được lặp đi lặp lại tương tự vài lần. Sau đó, người thím này nhắn tin thông báo do mạng chậm nên không gọi được và sẽ trao đổi qua tin nhắn rồi xin số tài khoản ngân hàng để gửi tiền về cho con chị N. và những người thân ở quê. Nhưng khi chưa được nhận tiền, chị N. đã bị hỏi mượn 15 triệu đồng để đưa cho một người thân khác. Do không còn tiền nên chị N. từ chối. “Bằng chiêu thức này, kẻ giả mạo đã lừa được một người cô của tôi ở quê 30 triệu đồng. Do hình ảnh khi gọi là hình ảnh thật của người thân nên cả nhà đều tin” - chị N. kể.
Mới đây, chị T.L. (TP.Hà Nội) đăng bài cảnh báo trên Facebook của mình về việc một người bạn bị mất tài khoản mạng xã hội này. Đối tượng lừa đảo dùng tài khoản này nhắn tin hỏi mượn tiền chị L. Khi chị gọi video để kiểm chứng thì thấy hình ảnh bạn mình mấp máy môi trong khoảng ba giây rồi tắt, sau đó nhắn tin nói mạng yếu, không gọi được. Chị L. gọi theo số sim điện thoại thì được bạn mình thông báo đã bị hack tài khoản Facebook.
Nên thận trọng kiểm chứng thông tin
Theo đại diện MobiFone, nhà mạng này không có gói cước mạng 5G. MobiFone đang thí điểm lắp đặt mạng 5G miễn phí ở nhiều địa phương. Khi đến những nơi có sóng 5G, các sim đã đăng ký 4G sẽ tự động chuyển sang 5G. Người dùng được miễn phí data với dung lượng không giới hạn và không cần đổi sim. Có thể các đối tượng lừa đảo đánh vào mong muốn sử dụng mạng 5G dung lượng không giới hạn để dụ dỗ người dùng thao tác theo hướng dẫn nhằm thực hiện ý đồ xấu của chúng. Do đó, khi nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên nhà mạng, chủ sim nên hỏi rõ tên, mã số nhân viên rồi gọi đến số tổng tài để kiểm tra.
Đại diện VinaPhone cho biết thêm, thời gian qua, để hỗ trợ khách hàng đang sử dụng sim 3G nâng cấp lên thành sim 4G và có thể trải nghiệm mạng 5G tại các địa điểm lắp đặt miễn phí, nhân viên VinaPhone có gọi cho khách hàng để đến nhà hỗ trợ chuyển đổi trực tiếp chứ không hướng dẫn thao tác bằng cú pháp điện thoại. “Khi đến nhà thay sim cho khách, nhân viên đeo thẻ tên, mặc đồng phục, thay sim trực tiếp trước mặt khách hàng. Khách hàng không nên truy cập vào các đường link (liên kết) trong tin nhắn SMS, email lạ và không nên cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP, mã PIN cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web” - đại diện VinaPhone cảnh báo.
Ông Phạm Hoàng Bảo - Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - cho biết chiêu thức dùng hình ảnh động gọi video để vay mượn tiền là không mới nhưng đang dần phổ biến. Người dùng mạng xã hội thường công khai hình ảnh cá nhân nên khi chiếm được tài khoản, kẻ xấu sẽ dùng những ảnh này để tạo ảnh động. Năm 2018, Công an H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An từng phá thành công vụ án với chiêu thức tương tự.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)