Sau khi rời cuộc chơi lớn tại Holywood và tạm thời gác lại tham vọng tỷ USD, doanh nghiệp của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tiếp tục gặp khó với cú thua lỗ trong 2020.
CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bất ngờ công bố thua lỗ trong quý cuối cùng của năm 2020, khi mảng thương mại truyền thông kinh doanh dưới giá vốn và chi phí bán hàng tăng đột biến.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Yeah1 ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/2020 giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn 348 tỷ đồng do sự sụt giảm ở các mảng quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số và kênh truyền hình.
Trong quý IV/2020, Yeah1 ghi nhận lỗ ròng gần 95 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 16 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2020, Yeah1 lỗ gần 152,5 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh âm gần 109 tỷ đồng do sự gia tăng các khoản phải thu. Trong đó, đáng chú ý là khoản trả trước cho người bán là CTCP World Trading Group (123,3 tỷ đồng), Công ty TNHH Phân phối nước giải khát Quốc tế (122,7 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn khác.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống lỗ lớn, liên quan đến cuộc khủng hoảng mạng đa kênh với Youtube.
Hồi tháng 3/2019, CTCP Tập đoàn Yeah1 đã phải bán lại toàn bộ 100% cổ phần tại ScaleLab (trụ sở ở Holywood) cho các chủ sở hữu cũ là Brenner Pass Investment Corp. với giá không đổi là 12 triệu USD sau khi mua 100% cổ phần của ScaleLab hồi tháng 1.
Đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. |
Mua ScaleLab, Yeah1 hơn 12 triệu USD nhằm mở rộng mảng kỹ thuật số trên YouTube toàn cầu nhưng Yeah1 phải bán vội kênh YouTube lớn nhất nước Mỹ ScaleLad chỉ hơn 1 tháng sau khi mua là bởi gặp một cú sốc từ cỗ máy in tiền YouTube.
Đây là đối sách mà Yeah1 thực hiện để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cổ đông sau khi YouTube thông báo chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) với Yeah1 cùng các công ty con và đơn vị liên kết sau ngày 31/3/2019.
Sau sự cố hồi đầu 2019, cổ phiếu YEG của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm liên tục từ mức giá trên 300.000 đồng/cp về mức 38.700 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của YEG và tài sản của ông Nhượng Tống cũng tụt giảm nhiều nghìn tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã ghi nhận những dấu ấn khó quên với việc đưa cổ phiếu YEG của Yeah1 lên sàn với mức giá chào sàn kỷ lục: 250.000 đồng/cp. Những giao dịch với quy mô nghìn tỷ của chủ tịch Yeah1 khi đó đã làm rúng động thị trường.
Về bản chất đây là việc Yeah1 thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số hơn 7,8 triệu cổ phần, nhưng là các nhà đầu tư mua cổ phần sau khi YEG niêm yết, với giá thỏa thuận 300.000 đồng/cp.
Yeah1 gần đây mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực cung cấp thực phẩm đồ uống và kim khí điện máy trong bối cảnh thua lỗ trong năm 2020. Ban lãnh đạo công ty đã thông qua phương án để công ty con là CTCP Công nghệ thương mại Giga1 (Giga1) góp vốn với các đối tác thành lập hai công ty con khác là CTCP Gigagoods và CTGCP phân phối Gigawin. Gigagoods có vốn điều lệ ban đầu dự kiến 1.800 tỷ đồng; ngành nghề kinh doanh chính là phân phối các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, chăm sóc cá nhân. Gigawin có ngành nghề kinh doanh chính là phân phối các sản phẩm điện tử, điện lạnh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng khá mạnh lên gần ngưỡng 1.090 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 1.085-1.100 điểm trong phiên mới. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục của thị trường có thể sẽ không còn diễn ra trên diện rộng mà thay vào đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần có thể sẽ khiến cho dòng tiền vào thị trường bị hạn chế trong giai đoạn này. Về tổng thể, chỉ số đang bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn nhưng diễn biến thị trường có thể sẽ bắt đầu có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/2, VN-Index tăng 40,02 điểm lên 1.075,53 điểm; HNX-Index tăng 6,51 điểm lên 215,36 điểm. Upcom-Index tăng 0,58 điểm lên 71,66 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 14,9 nghìn tỷ đồng.
V. Hà