Hôm qua, nữ giám đốc vận hành của Meta (công ty mẹ của Facebook ), Shelly Sandberg đã bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức, kết thúc sự nghiệp 14 năm của mình tại công ty. Và theo nhiều thông tin bên lề, sự ra đi của bà liên quan nhiều đến việc người sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg sẽ lên nắm mọi quyền hành.
Theo hai nhân viên của Sandberg, việc rời Meta là quyết định cá nhân. Sandberg trước đó đã thông báo cho CEO Meta qua điện thoại vào cuối tuần trước và bà muốn Zuckerberg, người đang ở đảo Hawaii vào thời điểm đó, là người đầu tiên biết việc này.
Người giám hộ cuối cùng
Năm 2008, Zuckerberg đã thuê Sandberg, khi đó là một giám đốc điều hành của Google, tham gia vào công ty mạng xã hội của mình. Zuckerberg cho biết vào thời điểm đó, Sandberg được thuê vì "cô ấy có kinh nghiệm trong ngành phù hợp nhất với Facebook, đặc biệt là khi chúng tôi cần mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển nó trên toàn cầu."
Sandberg đã đáp lại yêu cầu tuyển dụng này với cùng một giọng điệu. “Đó là cơ hội chỉ có một lần trong đời để giúp một công ty trẻ khác phát triển thành một công ty dẫn đầu toàn cầu”, bà nói vào thời điểm đó.
Năm đó, Zuckerberg 23 tuổi và Sandberg 38 tuổi.
Ngày hôm nay, Zuckerberg đã bằng tuổi Sandberg khi bà gia nhập công ty, và Facebook đã trở thành một gã khổng lồ công nghệ. Trong năm vừa qua, vị CEO này đã bắt đầu đưa mạng xã hội đi theo một hướng mới, tiến vào thế giới trực tuyến nhập vai của cái gọi là "metaverse", đồng thời đổi tên công ty thành Meta. Còn Sandberg, 52 tuổi, vẫn giữ thái độ khiêm tốn như thường lệ, nhìn Zuckerberg đảm nhận ngày càng nhiều trách nhiệm hơn và tái cấu trúc cả công ty để bắt đầu một chương mới.
Sandberg thông báo bà sẽ rời đi vào mùa thu năm nay. Cho biết trong một cuộc phỏng vấn, bà nói rằng mình ban đầu dự kiến sẽ chỉ làm việc tại công ty này trong khoảng 5 năm, thay vì 14 năm như hiện tại. Bà nói thêm rằng mình hiện có kế hoạch tập trung vào các hoạt động từ thiện cá nhân và quỹ riêng mang tên Lean In, và kết hôn với nhà sản xuất truyền hình Tom Bernthal vào mùa hè này.
"Tôi tin tưởng vào công ty này", Sandberg, người sẽ tiếp tục tham gia hội đồng quản trị Meta nói. "Chúng tôi có đang làm mọi thứ đúng không? Hoàn toàn không. Chúng tôi đang học hỏi, lắng nghe, phát triển và đầu tư ở những nơi chúng tôi cần? Đội ngũ này đã và sẽ làm điều đó."
Zuckerberg cũng ca ngợi Sandberg trong một bài đăng trên Facebook, nói rằng "thật bất thường khi mối quan hệ hợp tác kinh doanh như của chúng tôi lại tồn tại lâu như vậy."
Và ngay sau đó, ông đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành lâu năm là Javier Olivan thay thế vị trí của Sandberg. Olivier là người chịu trách nhiệm về phần lớn sự phát triển của Facebook trong 10 năm qua.
Từ thịnh vượng đến suy tàn
Sandberg đã chọn từ chức ở một thời điểm nơi cách xa đỉnh cao danh tiếng mà bà đã đạt được trong cả thập kỷ qua. Tốt nghiệp đại học Harvard, bà từng là chánh văn phòng Bộ trưởng Tài chính Larry Summers dưới thời chính quyền Bill Clinton. Bà cũng đã tạo dựng được tên tuổi của mình ở Thung lũng Silicon bằng cách giúp Google biến công việc kinh doanh quảng cáo non trẻ thành một khối tài sản kếch xù hàng tỷ đô la.
Sau khi gia nhập Facebook, bà đã phát triển mảng kinh doanh quảng cáo của công ty và được coi là người bảo vệ sự phát triển của công ty. Sandberg đã giúp tạo ra một số mô hình quảng cáo trên máy tính để bàn của Facebook, và sau đó định hình thành công chiến lược quảng cáo trên thiết bị di động của công ty.
Tính đến năm 2016, Facebook đạt doanh thu 27,6 tỷ USD, tăng từ con số 153 triệu USD vào năm 2007, thời điểm trước khi Sandberg gia nhập. Và hoạt động kinh doanh quảng cáo vẫn là mảng mang lại tài chính chính của Meta.
Olivan (trái) sẽ đảm nhận vị trí COO thay Sandberg.
Danh tiếng của Sandberg đã tăng cao hơn nữa vào năm 2013. Vào thời điểm đó, bà đã xuất bản một cuốn sách kinh doanh với nội dung ủng hộ nữ quyền, mang tên Lean In. Cuốn sách viết ra một tuyên ngôn cho những phụ nữ đang đi làm, dựa trên kinh nghiệm của bà khi làm việc trong chính phủ và cả doanh nghiệp. Nó nhanh chóng trở thành một cuốn sách bán chạy và là thương hiệu cá nhân của Sandberg, mặc dù một số nhà phê bình cho rằng lời khuyên của nữ tác giả đến từ cuộc sống thượng lưu và sẽ không phù hợp với hầu hết mọi người.
Nhưng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Facebook đã phải đối mặt với sự giám sát gắt gao vì đã bị lạm dụng để gây chia rẽ và lan truyền thông tin sai lệch. Sandberg, người điều hành các đội chính sách và an ninh của công ty trong cuộc bầu cử đó, được cho là đã phớt lờ các vấn đề khi nó mới xuất hiện và sau đó trì hoãn đưa ra một phản ứng công khai.
Năm 2018, Facebook cũng dính vào một vụ bê bối về quyền riêng tư liên quan đến công ty phân tích cử tri Cambridge Analytica, đơn vị đã sử dụng sai dữ liệu của Facebook. Sandberg, người phụ trách quan hệ công chúng, được cho là người phải chịu trách nhiệm về vụ việc và các phản ứng hỗn loạn sau đó.
Nghiệp làm "bao cát"
Mặc dù bề ngoài đồng thuận, nhưng Zuckerberg được cho là đã ngày càng mất niềm tin vào phản ứng của Sandberg đối với cuộc khủng hoảng của công ty. Sandberg cũng nói riêng với các nhân viên của mình rằng bà không đồng ý với một số quyết định của Zuckerberg về vấn đề nội dung.
Theo một báo cáo năm 2018 trên Wall Street Journal, Zuckerberg đã đổ lỗi cho Sandberg về vụ bê bối xung quanh scandal Cambridge Analytica.
Nhưng cổ phần của Zuckerberg đã mang lại phần lớn quyền biểu quyết và ông bắt đầu ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc ra các quyết định quan trọng. Chính Zuckerberg đã đưa ra quyết định chặn tài khoản của Donald Trump sau cuộc bạo loạn ngày 6/1. Theo thời gian, ông cũng bắt đầu đảm nhận nhiều vai trò hơn trong việc giám sát các bộ phận khác nhau của công ty, bao gồm một số bộ phận mà trước nay Sandberg đã điều hành một mình.
Sandberg không còn muốn làm bao cát thay Zuckerberg.
Trong suốt thời gian đó, các câu hỏi về nội dung độc hại, quyền riêng tư và vi phạm chống độc quyền tiếp tục tràn ngập và bủa vây Facebook. Tuy nhiên, công ty cũng đã đạt được mức vốn hóa thị trường là 1.000 tỷ USD.
Sandberg nói với mọi người rằng bà đã kiệt sức với việc trở thành một cái "bao cát" cho các vấn đề của công ty, theo những người quen thuộc với vấn đề này. Và bà đã nghĩ đến việc rời đi. Năm 2016, bà nói với các đồng nghiệp rằng nếu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton thắng cử, bà có khả năng sẽ chuyển đến Washington làm việc. Vào năm 2018, sau sự cố Cambridge Analytica và sự can thiệp của các tổ chức nước ngoài trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được đưa ra ánh sáng, bà đã nói với các đồng nghiệp một lần nữa rằng mình đang cân nhắc rời đi, nhưng bà cũng chia sẻ việc không muốn rời đi khi công ty gặp khủng hoảng.
Tiếp quản bằng Metaverse
Năm ngoái, Zuckerberg đã công bố việc tham gia một ván cược mới vào "kỷ nguyên tiếp theo của internet di động": metaverse. Nhưng trong tuyên bố của ông về thế giới mới của Meta khi đó, Sandberg là một diễn viên phụ, trong khi các giám đốc điều hành khác sẽ đảm nhận các vai trò nổi bật hơn.
Sự chuyển đổi của Facebook sang metaverse cũng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào quảng cáo, vốn luôn là lĩnh vực ảnh hưởng của Sandberg. Bà Sandberg sau đó đã vắng mặt trong nhiều cuộc họp về kế hoạch của công ty cho metaverse, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Khi Zuckerberg đại tu công ty để tập trung vào metaverse, một số trọng trách công việc của Sandberg đã được chia cho các giám đốc điều hành khác. Nick Clegg, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta và cũng là cựu phó thủ tướng Vương quốc Anh, đã trở thành người phát ngôn chính của công ty, một vai trò mà bà Sandberg đã đảm nhiệm trước đây. Clegg sau đó được thăng chức làm chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Meta vào tháng Hai.
Meta đang đặt cược tất cả vào metaverse.
Vầng hào quang của Sandberg đang mờ đi. Bà lúc này tập trung sức lực vào việc xây dựng mảng quảng cáo doanh nghiệp và phát triển số lượng các doanh nghiệp nhỏ trên Facebook.
Ngoài ra, bà cũng dành nhiều thời gian hơn cho công việc cá nhân. Chồng cũ của Sandberg, Dave Goldberg, đã đột ngột qua đời vào năm 2015. Sau đó, bà gặp gỡ nhà sản xuất truyền hình Tom Bernthal. Bernthal và ba người con của ông đã chuyển từ Nam California đến nhà của Sandberg ở Thung lũng Silicon trong thời gian xảy ra đại dịch. Sandberg thì trước đó có hai con với Goldberg. Một người am hiểu về vấn đề này cho biết bà đang tập trung vào việc hòa nhập hai bên gia đình và chuẩn bị cho đám cưới vào mùa hè của họ.
Một kỷ nguyên kết thúc
Việc chuyển đổi của Meta sang metaverse không hề dễ dàng. Công ty đã đầu tư rất nhiều vào các sản phẩm Metaverse, nhưng hoạt động kinh doanh quảng cáo của họ đã bị thất bại, một phần là do những điều chỉnh về quyền riêng tư của Apple đã làm ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo nhắm mục tiêu người dùng. Vào tháng 2 năm nay, giá trị thị trường của Meta giảm mạnh hơn 230 tỷ USD, mức giảm lớn nhất trong một ngày. Gần đây nhất, báo cáo thu nhập của Meta cho thấy công ty đang vật lộn để tạo ra bước nhảy vọt lên Metaverse.
Sandberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Meta phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn, nhưng nó sẽ vượt qua nó, giống như cách nó đã đối mặt với những thách thức trong quá khứ. “Khi chúng tôi ra mắt công chúng, không có quảng cáo trên điện thoại di động", Sandberg nói, khi đề cập đến sự chuyển đổi nhanh chóng của công ty từ máy tính để bàn sang smartphone trong thập kỷ qua.
Bà cũng cho biết việc gia nhập Facebook vào năm 2008 là "vinh dự và đặc ân cả đời".
Còn Zuckerberg, ông cho biết trong bài đăng trên Facebook hôm thứ Tư rằng Sandberg rất quan trọng đối với sự thành công của công ty mình. “Sherry đã xây dựng công việc kinh doanh quảng cáo của chúng tôi, thuê những người vĩ đại, xây dựng văn hóa quản lý của chúng tôi và dạy tôi cách điều hành một doanh nghiệp,” ông nói.
Gia nhập Facebook vào năm 2008 là "vinh dự và đặc ân cả đời" đối với Sheryl Sandberg.
Có thể nói, Sandberg đã có tác động không thể phủ nhận trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh quảng cáo của Facebook và các hoạt động nội bộ của nó, bao gồm tiếp thị và nguồn nhân lực. Nhưng, tầm nhìn của công ty luôn được tạo ra bởi một người và chỉ một người duy nhất. Đối với Zuckerberg, nhận ra tầm nhìn đó là nhiệm vụ của các kỹ sư. Nhưng người đứng đầu nhóm kỹ sư phát triển này, thì nên là chính ông.
“Chúng tôi có một câu nói: 'Di chuyển nhanh chóng và phá vỡ mọi thứ'”, Zuckerberg đã viết trong bức thư nổi tiếng của mình gửi cho các cổ đông tiềm năng trong hồ sơ IPO. ″Ý tưởng là nếu bạn không bao giờ phá vỡ bất cứ điều gì, có thể là bạn đang di chuyển không đủ nhanh.”
Đối với Zuckerberg, tiến nhanh đồng nghĩa với việc ông phải trở thành người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh duy nhất của Facebook, để đưa ra cho một số quyết định quan trọng nhất. Như cái cách ông đã đề nghị mua Instagram ngay trước khi IPO mà không có ý kiến từ hội đồng quản trị, và ông cũng được cho là đã dàn xếp việc mua WhatsApp trị giá 19 tỷ USD sau khi thấy dữ liệu cho thấy ứng dụng nhắn tin này là một mối đe dọa hiện hữu đối với doanh nghiệp của mình.
Sandberg vẫn sẽ tiếp tục tham gia hội đồng quản trị của Meta. Nhưng Zuckerberg hiện nắm giữ 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại công ty này. Điều đó có nghĩa là ông có thể chọn các thành viên hội đồng quản trị, những người sẽ tuân theo tầm nhìn của mình. Đó là lý do tại sao Zuckerberg có thể nhanh chóng quyết định việc đổi tên công ty thành Meta và chi 10 tỷ USD trong năm nay để xây dựng một metaverse - thứ có thể hoặc không thể biến thành một doanh nghiệp thực sự vào cuối thập kỷ này.
Sandberg vẫn nói rằng mình “rất lạc quan về tương lai của công ty”.
Nhưng các nhà đầu tư thì không, bởi cổ phiếu của công ty đã mất một nửa giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng Chín. Nó giảm thêm 2,6% trong giao dịch kéo dài sau khi Sandberg tuyên bố rời đi.
Và dù điều gì xảy ra bây giờ, Zuckerberg sẽ không có ai chịu trách nhiệm hộ, ngoài chính mình.