Khu vực hẻo lánh
Tổng thống Joko Widodo cho biết thủ đô của Indonesia sẽ được chuyển đến tỉnh East Kalimantan nằm trên đảo Borneo. Hiện tại, Indonesia vẫn chưa đặt tên cho thủ đô mới.
Nơi được Indonesia chọn để rời đô là 2 khu vực tương đối kém phát triển có tên là Kutai Kertanegara và Penajam Paser Utara. Phát biểu trên truyền hình, ông Widodo nhấn mạnh: "Địa điểm này rất chiến lược. Nó nằm ở trung tâm Indonesia và gần các đô thị khác". Ngoài ra, một điểm nhấn khác mà ông Widodo nhắc tới là địa điểm mới rất ít khi phải hứng chịu thiên tai.
Dự án đầy tham vọng dự kiến sẽ tiêu tốn 32,8 tỷ USD. Dù khá đắt đỏ nhưng nếu so với thiệt hại hơn 6 tỷ USD mỗi năm từ tắc đường ở Jakarta, con số này vẫn khá khiêm tối. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động môi trường cảnh báo có những loài vật sắp tuyệt chủng sống ở nơi người ta chuẩn bị phá rừng làm thủ đô mới.
Ngoài ra, Kalimantan cũng được coi là một điểm nóng về cháy rừng. Indonesia đang trải qua mùa cháy rừng hàng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Indonesia sở hữu phần lớn hòn đảo Borneo, hòn đảo lớn thứ 3 thế giới. Cùng chia sẻ lãnh thổ trên hòn đảo này còn có Malaysia và Brunei. Dù được bao phủ bởi những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn nhưng tình trạng phá rừng đang khiến nơi đây trở nên trơ trụi hơn trong những năm gần đây.
Nhà chức trách ước tính việc rời đô sẽ kéo dài trong khoảng 10 năm.
Quyết định không thể trì hoãn
Jakarta là thủ đô của Indonesia từ năm 1949. Hiện tại, nó là trung tâm tài chính và cũng là khu vực đông đúc và chật chội nhất ở Indonesia. Sự phát triển mạnh mẽ của Jakarta trong những năm gần đây gây áp lực lớn lên hạ tầng, tạo ra vô số những quan ngại về môi trường, kinh tế và an toàn cho người dân.
"Là một quốc gia độc lập trong hơn 74 năm qua, Indonesia chưa từng chọn thủ đô cho riêng mình. Gánh nặng mà Jakarta đang phải gánh quá lớn khi nó đảm trách tất cả các vai trò từ trung tâm quản trị tới kinh doanh, tài chính, thương mại và dịch vụ", ông Widodo nhấn mạnh.
Theo Liên Hợp Quốc, Jakarta là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người. Nếu tính toàn bộ các đô thị vệ tinh, dân số của khu vực này là 30 triệu. Đây cũng là một trong những đô thị đông dân nhất trên thế giới.
Tồi tệ hơn, Jakarta là thành phố chìm nhanh nhất hành tinh với tốc độ 25 cm mỗi năm. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, nó đang chìm xuống biển Java với tộc độ đang báo động vì tình trạng khai thác nước ngầm không kiểm soát và quá lạm dụng. Bên cạnh đó, do nằm trên vùng lầy và bị biển bao quanh ở phía bắc kheiens nó đặc biệt dễ bị ngập lụt.
Không khí thì ngày càng ô nhiễm. Tình trạng tắc nghẽn giao thông liên tục trên các con đường gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tắc được khiến nhiều người dân đâm đơn kiện chính phủ hồi tháng 7 vừa qua.
Hầu hết sự giàu có tạp trung ở Jakarta. Những người Indonesia sống bên ngoài đảo Java, nơi thủ đô Jakarta nằm trên, từ lâu đã bị quên lãng. Việc rời đô có thể mở ra cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng như cân bằng sự chênh lệch phát triển ở đất nước vạn đảo.