Vào top 5 xuất khẩu cá tra, lợi nhuận gấp nhiều lần
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I năm nay, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang lần đầu lọt top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất nước. Công ty này đã có sự bứt phá mạnh khi ghi nhận doanh thu xuất khẩu quý I đạt 31,1 triệu USD, tăng 79,3%, đứng vị trí thứ 9 trong khi năm trước đứng ở vị trí thứ 15.
Đồng thời mức tăng trưởng 79,3% cũng là mức tăng đứng thứ 2 trong top 10, chỉ đứng sau I.D.I Corp với doanh thu 30,8 triệu USD, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Xét riêng trong mảng xuất khẩu cá tra, Vạn Đức Tiền Giang ghi nhận sự bứt phá mạnh trong năm 2021 và quý I năm nay khi góp mặt ở top 5 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, trong khi năm 2020 còn nằm ngoài top 10.
Theo đó, kết quả kinh doanh của công ty cũng rất khởi sắc. Theo dữ liệu Người Đồng Hành, doanh thu cải thiện dần từ mức 2.099 tỷ đồng lên 2.795 tỷ đồng giai đoạn 2019-2021. Ngay cả trong giai đoạn đi xuống của toàn ngành cá tra 2020, doanh thu Vạn Đức Tiền Giang vẫn có sự tăng trưởng.
Đơn vị: tỷ đồng
Lợi nhuận sau thuế năm 2020 sụt giảm nhưng bật tăng mạnh vào 2021 với 273 tỷ đồng, gấp 3,8 lần 2020 và gấp 2,6 lần năm 2019.
Đơn vị: Tỷ đồng
Không chỉ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm cá tra và từ cá tra, năm 2021 đánh dấu bước chuyển mình khi doanh nghiệp mở rộng ra các sản phẩm giá trị gia tăng chất lượng cao, bao gồm cả thủy sản và nông sản. Công ty cho biết sản phẩm được chế biến trong chuỗi khép kín từ cá giống, nuôi trồng, chế biến đáp ứng yêu cầu chất lượng khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Mỹ và EU.
Vĩnh Hoàn thoái vốn vì khoảng cách địa lý và hiệu quả hoạt động bị giới hạn
Vạn Đức Tiền Giang được thành lập từ 2007 tại tỉnh Tiền Giang. Theo cập nhật gần nhất trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ Vạn Đức Tiền Giang đạt 872 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Hữu Phước Food sở hữu 95% vốn. Hữu Phước Food được thành lập vào 2017, vốn điều lệ tính đến tháng 5/2021 đạt 309 tỷ đồng, hoàn toàn là nguồn vốn từ nước ngoài. Cổ đông còn lại là bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ) nắm 5% vốn.
Vạn Đức Tiền Giang từng là công ty con của Vĩnh Hoàn. Năm 2014, Vĩnh Hoàn công bố đã chi 357 tỷ đồng để mua 25,3 triệu cổ phiếu (99,06% vốn) Thực Phẩm Xuất Khẩu Vạn Đức Tiền Giang để tập trung nguồn lực vào ngành nghề cốt lõi. Đến cuối năm 2015, doanh nghiệp đầu tư thêm 53,4 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn và tăng vốn điều lệ cho công ty con lên 305,4 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp cá tra đầu ngành đã chi tổng cộng gần 410 tỷ đồng sở hữu 100% vốn điều lệ Vạn Đức Tiền Giang.
Sau khi về với Vĩnh Hoàn và được rót thêm vốn, Vạn Đức Tiền Giang mở rộng quy mô thành 2 nhà máy sản xuất cá tra, 1 nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng và 2 nhà máy bột mỡ cá, cũng như mở rộng vùng nuôi.
Trong 3 năm, Vạn Đức Tiền Giang ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao và là đơn vị thành viên có đóng góp lớn nhất trong kết quả kinh doanh của công ty cá tra đầu ngành.
Đơn vị: tỷ đồng |
Cụ thể, năm 2015, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.553 tỷ đồng, tăng 38% so với 2014 và đóng góp 24% tổng doanh thu Vĩnh Hoàn; lợi nhuận sau thuế 92 tỷ đồng. Đến 2017, Vạn Đức Tiền Giang đạt 2.078 tỷ đồng doanh thu, tỷ trọng 26% và lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, gần gấp đôi 2015.
Năm 2018 là năm đánh dấu sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Vạn Đức Tiền Giang. Công ty tăng vốn lên 872 tỷ đồng, cổ đông mới là Hữu Phước Food và bà Trương Thị Lệ Khanh. Vĩnh Hoàn không tham gia góp vốn nên tỷ sở hữu bị giảm về 35% và chuyển hình thức sở hữu sang công ty liên kết.
Không còn sở hữu chi phối, đến 2019, Vĩnh Hoàn quyết định rút hoàn toàn vốn khỏi công ty cá tra ở Tiền Giang khi bán 35% vốn còn lại cho chính Hữu Phước Food đem về khoản lãi hơn 100 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Vĩnh Hoàn, lý do rút vốn khỏi Vạn Đức Tiền Giang là vùng nuôi có vị trí không thuận lợi, xa nhà máy của tập đoàn. Mặt khác, do nằm gần biển nên bị xâm nhập mặn khiến hiệu quả hoạt động của công ty liên kết cũng bị giới hạn.
Vĩnh Hoàn vẫn mua cá nguyên liệu từ Vạn Đức Tiền Giang. |
Dù đã thoái vốn khỏi Vạn Đức Tiền Giang, Vĩnh Hoàn vẫn còn có những giao dịch mua bán với đơn vị này. Theo thuyết minh BCTC 2021, doanh nghiệp cá tra ở Tiền Giang có mối liên quan với Vĩnh Hoàn thông qua Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh. Điều này dấy lên lo ngại có lợi ích nhóm và cả thương vụ thoái vốn tại thời điểm Vạn Đức Tiền Giang đang phát triển mạnh cũng như đóng góp lớn vào kết quả chung Vĩnh Hoàn.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, cổ đông tiếp tục chất vấn Chủ tịch Vĩnh Hoàn. Bà Khanh lý giải mối quan hệ hiện nay là Vĩnh Hoàn mua cá tra từ Vạn Đức Tiền Giang để làm nguyên liệu.
Để thế vào khoảng trống Vạn Đức Tiền Giang, doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh tập trung đầu tư cho Thanh Bình Đồng Tháp – mua lại từ 2017, do vị trí gần hơn để phát triển vùng nuôi cũng như xây dựng nhà máy. Công ty con này đã thực sự thay thế Vạn Đức Tiền Giang trở thành nhân tố đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh chung của “nữ hoàng” cá tra. Doanh thu doanh nghiệp này tăng mạnh từ 690 tỷ đồng năm 2017 lên 1.864 tỷ đồng vào 2018.
Nhìn chung, trong bối cảnh ngành thuận lợi, giá cả và thị trường xuất khẩu phục hồi, không chỉ Vạn Đức Tiền Giang gặt hái được thành công mà Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận kết quả vượt trội trong năm 2021 và cả những tháng đầu năm 2022. Doanh thu năm qua tăng trưởng 27%, lợi nhuận tăng 39%. Quý I năm nay, lợi nhuận gấp 4 lần cùng kỳ đạt 548 tỷ đồng.
Đồng thời, cùng với khẳng định vị thế đầu ngành cá tra, Vĩnh Hoàn có những tham vọng lớn hơn như đưa cá tra trên lên bàn sushi, mở rộng danh mục sản phẩm từ nguồn nguyên liệu rau quả, sản phẩm nước trái cây lên men, kẹo gummy hương trái cây…