Tốc độ rơi như "thang máy" của VN-Index trong phiên 14/2 khiến giới đầu tư choáng váng không hiểu có chuyện gì đang xảy ra. Chỉ trong vòng 30 phút cuối phiên, nhà đầu tư ồ ạt mang hàng ra bán tháo, đặc biệt ở nhóm Bank khiến chỉ số rơi mạnh cuối phiên. Chứng khoán Việt có phiên giảm sâu ngay đầu tuần. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ sau khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Hàng loạt các cổ phiếu lớn bị bán mạnh, giá giảm mạnh, thậm chí sàn ngay trong phiên ATC như STB bị bán tới 7,8 triệu cổ phiếu dẫn đến giảm sàn còn 32.850 đồng/cổ phiếu, LPB bị bán 2,9 triệu cổ phiếu dẫn đến dư bán sàn, thị giá giảm xuống 24.100 đồng/cổ phiếu. VCI cũng giảm sàn vào cuối phiên xuống mức 56.900 đồng/cổ phiếu.
"Tội đồ" khiến thị trường rơi mạnh vào cuối phiên hôm nay đó là các cổ phiếu bank đồng loạt giảm mạnh: TCB giảm 4,1%, VPB giảm 4,4%, ACB giảm 4,8%, CTG giảm 6%, TPB giảm 6,7%, MBB giảm 5,7%, BID giảm 6,6%…
Thị trường tụt áp mạnh 30 phút cuối phiên giao dịch đầu tuần
Áp lực margin phần nào đã được giải phóng sau đợt điều chỉnh sâu vừa qua của thị trường. Đặc biệt, nguồn vốn vay margin đã dồi dào hơn khi SSI công bố khoản vay hợp doanh 10.000 tỷ đồng từ Vietinbank. Áp lực bán tháo, giải chấp margin là không có bởi nhóm giảm nhiều điểm nhất phiên đến từ nhóm bank - đây là nhóm có đà tăng bền bỉ từ trong Tết. Do đó, yếu tố tâm lý nhà đầu tư là trọng yếu dẫn đến hành động bán tháo cuối phiên.
Nhiều lý do tạo nên phiên giảm sâu đầu tuần của chứng khoán Việt. Song chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý và yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng nặng nề đến chỉ số.
Thứ nhất, chứng khoán châu Á có một phiên giảm mạnh ngay thứ hai đầu tuần, từ đó chứng khoán Việt phần nào bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm điểm của chứng khoán toàn châu Á. Cụ thể, chỉ số Nikkei giảm 616 điểm, tương ứng 2,23%, Shanghai giảm 34 điểm tương ứng 1%, HSI giảm 346 điểm, tương ứng 1,4%, KOSPI giảm 43 điểm tương ứng 1,57%… Thị trường tài chính toàn cầu có một phiên giao dịch đầu tuần đỏ lửa, tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.
VN-Index có phiên chỉnh mạnh đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ lễ, kết hợp với diễn biến xấu của thị trường tài chính quốc tế đã đẩy lượng bán tăng vọt cuối phiên, đặc biệt là các cổ phiếu Bank bị bán mạnh kích hoạt đà bán tháo trên diện rộng khiến cho thị trường bị "rơi như thang máy" vào cuối phiên.
Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng khi thế giới có nhiều biến động khó lường, đặc biệt nguy cơ xung đột Nga - Ukraina và sự can thiệp của các bên như Mỹ - Trung, NATO đang được đẩy lên cao.
Thậm chí, theo báo VOV nhận định, nguy cơ cuộc "chiến tranh lạnh mới" với một bên là Mỹ và đồng minh, một bên là hai cường quốc Nga-Trung Quốc đang ngày một hiện hữu với những động thái cứng rắn của các bên liên quan.
Điều này được thể hiện rất rõ qua các trục quan hệ Mỹ-Trung, Nga-Trung và Nga-Mỹ. Trong cuộc gặp trực tiếp diễn ra vào đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã ra tuyên bố chung về mối quan hệ đối tác mới, khẳng định quan hệ này "vượt trội so với các liên minh chính trị-quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh". Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong chiến lược, chính quyền của Tổng thống Biden cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế và thông qua một mạng lưới liên minh mạnh mẽ.
Thứ ba, nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát năm 2022 khi giá cả các loại hàng hoá đang lần lượt thiết lập đỉnh mới tư đặc biệt là lĩnh vực năng lượng như dầu khí, than… Giá dầu hiện đang neo ở mức 95,65 USD/thùng với dầu Brent, dầu WTI đạt mức 94,35 USD/thùng. Những căng thẳng Nga - Ukraina được dự báo sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn. Giá than tương lai cũng lập kỷ lục mới đạt 245 USD/tấn.
Về trong nước, giá xăng đã lập kỷ lục, đang ở mức cao nhất 9 năm qua. Tính đến 14/2, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 24.571 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 25.322 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 18.751 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.659 đồng/kg.
Sự tăng giá mạnh của than, giá xăng dầu, giá khí vốn là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế Việt Nam. Giới đầu tư lo lắng về một đợt lạm phát mới bùng ra nếu như giá nguyên liệu vẫn tiếp tục được neo cao.
Áp lực lạm phát đang đến từ yếu tố bên ngoài đất nước là chủ đạo, nguy cơ nhập khẩu lạm phát cũng được đặt ra. Theo số liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn hẳn con số 7,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán, đồng thời là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 2/1982.
Lạm phát tăng cao nhất 40 năm qua, giá cả hàng hoá leo thang đang tiếp tục củng cố khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và siết chặt tiền tệ. Người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, ông Brian Deese, cho biết lạm phát là "một hiện tượng toàn cầu". FED dự kiến bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3-2022 để kiềm chế lạm phát.
Thứ tư, kênh đầu tư chứng khoán đang phải cạnh tranh với một số kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh gửi tiết kiệm khi một số ngân hàng đã tung các gói lãi suất "sốc" để thu hút nhà đầu tư gửi tiền. VPBank vừa tăng lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 và 9 tháng thêm 0,2%. Đồng thời, ngân hàng này cũng tăng 0,5% lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 12 tháng. Đặc biệt, nhà băng này còn cho khách hàng hưởng lãi suất 12,4% trong tháng đầu tiên khi gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm. Đây là "chiêu" để hút khách hàng gửi tiền.
Ðánh giá nguyên nhân lãi suất huy động tăng trở lại, theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đã có sự bứt phá ngay từ những ngày đầu năm.