Cả tuần này, tôi rong ruổi đi khắp các tuyến phố có chi nhánh ngân hàng để khảo sát về việc người dân mua vàng. Hoà mình vào dòng người đội nắng mưa xếp hàng mua vàng mới thấu hiểu một "nỗi khổ" mang tên "có tiền", thậm chí là "có nhiều tiền".
Mạng xã hội chia sẻ cảnh một người phụ nữ trạc tuổi ngũ tuần ở thôn quê ra Hà Nội, đã vài ngày qua phải thức từ 3 giờ đêm đến 8 giờ sáng giữ chỗ để mua bằng được 2 cây vàng SJC để trả nợ. Rồi cảnh người đàn ông tuổi 70 đi xe máy vượt hơn 60km từ Hưng Yên lên Hà Nội chỉ để mua vàng SJC bằng lương hưu.
Đêm ngày 11 và ngày 12/6, tại một số chi nhánh ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán vàng ở phố Láng Hạ, phố Huế, dòng người xếp hàng này đã diễn ra từ chập tối đến sáng chỉ để mua cho bằng được vàng SJC…
Vậy, điều gì đã đẩy đám đông lao vào vòng xoáy của vàng với đủ cung bậc "hỉ nộ, ái ố" của kẻ thắng, người thua? Người vui hết sức vì "chốt lời" đúng đỉnh, nhưng cũng có không ít người tím tái mặt mày vì đu đỉnh giá vàng ở thời điểm cao chót vót, đến lúc giá tụt không phanh.
Sau dịch bệnh Covid-19, cùng với sự khó khăn phức tạp của kinh tế thế giới, các kênh đầu tư trong nước vốn có tỷ suất sinh lời cao như bất động sản, chứng khoán - trái phiếu và tiền gửi đều gặp khó. Bất động sản tăng giá đồng loạt, nhiều vụ vỡ trái phiếu doanh nghiệp diễn ra, lãi suất huy động giảm sâu… người dân ít nhiều suy giảm niềm tin vào các kênh đầu tư quen thuộc đó.
Trong khi đó, sản xuất nội địa gặp khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, hàng giá rẻ Trung Quốc qua kênh bán hàng online, thương mại điện tử cạnh tranh quyết liệu, rất ít doanh nghiệp dám vay vốn mở rộng sản xuất, và cũng chưa khi nào không khí "khởi sự kinh doanh" trong dân lại đứng trước nhiều thách thức đến vậy.
Thiếu niềm tin vào các kênh đầu tư khác khiến cho cơn mê mẩn vàng, niềm tin vào vàng trở thành bất biến, khó cản ở một bộ phận người dân. Phần lớn người mua vàng thời gian qua và hiện nay đều không phải là lướt sóng mà chọn vàng là nơi trú ẩn, chính vì vậy dù nhìn thấy mua vào, bán ra lỗ ngay vài triệu đồng, nhưng không ít người vẫn kỳ vọng vàng sẽ lên giá như một điều tất yếu.
Nhưng đâu phải ai xếp hàng cũng là người mua vàng đích thực, mong vàng giữ tiền cho mình. Ngày 11/6, trước tình trạng người dân ào ào xếp hàng mua vàng ở nhiều nơi, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị Bộ Công an vào cuộc xác minh, xử lý các đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, đầu cơ, trục lợi.
Rõ là, trong vòng xoáy giá vàng, cộng với cơn mộng mị vì vàng của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng cơ hội đã lợi dụng để đẩy sự khan hiếm vàng của thị trường, xã hội lên quá cao so với thực tế...
Trong lần khảo sát thị trường vàng ngày 10/5, thời điểm giá vàng bán ra cao kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng, tại Doji Cầu Giấy ngày 10/5, tôi chứng kiến người đàn ông bỏ ra số tiền 3,6 tỷ đồng để mua gần 39 cây vàng SJC.
Nhưng, đó cũng là mức giá cao nhất của vàng cho đến nay bởi sau kỷ lục gần 92,5 triệu đồng/lượng, vàng đã trượt không phanh, đến nay sau hơn 1 tháng đầu tư, giá vàng mua vào đang dao động ở mức 75 triệu đồng/lượng. Chỉ trong hơn 1 tháng, lao vào vàng cùng tâm lý đám đông, nếu "đu đỉnh" người đàn ông này đã mất 680 triệu đồng. Thật khó tin.
Bao giờ mới hết cảnh "lên đồng" vì vàng, người dân thôi cảnh xếp hàng dài để mua vàng? Những người chen chân, đội nắng, đội mưa mua vàng hôm nay không phải tất cả đều rủng rỉnh tiền bạc, đủ tiền để "bỏ trứng vào nhiều giỏ", trong số người tham gia vào đội ngũ xếp hàng kể trên, không ít người mua vàng bằng đồng lương tích luỹ vì lo sợ đồng tiền mất giá hoặc không còn kênh đầu tư khác yên tâm hơn.
Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 tấn vàng nằm trong dân, ở két sắt, ở ngăn tủ của gia đình, giá trị tương ứng khoảng 130 tỷ USD… Số tiền này thực tế nằm bất động, không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế và cần được khơi thông. Nếu cơn sốt vàng chưa giải quyết triệt để, rất khó thể khơi thông dòng vốn lớn như vậy để mở mang nền kinh tế.
Với hàng loạt các biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC trong nước đã về gần với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chỉ một biện pháp đối với riêng thị trường vàng là chưa đủ, vấn đề là phải phải khôi phục lại niềm tin về cho toàn xã hội, cho người cầm tiền, với những kênh đầu tư khác ngoài vàng.
Ở một đô thị phồn hoa như Hà Nội, không có sự tác động nào dữ dội hơn là giá, lương và tiền. Khi người trẻ đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt thực tế đang tăng lên, nỗi lo kiếm được một căn nhà mơ ước đang xa vời, còn người già phải lo giữ đồng lương hưu đỡ mất giá, lại phòng trừ khoản dôi dư cho quãng đời phía trước.
Người có tiền nhỏ, tiền to đều chung một nỗi suy nghĩ và không ai đủ sức khuyên họ cách đầu tư, giữ tiền hơn chính cách họ tự chọn cách giữ giá tài sản tích cóp của mình để xuống tiền.
"Bình ổn giá", khái niệm vốn chỉ dùng cho hàng hoá thông thường, mặt hàng có nhu cầu thiết yếu của mọi người dân được ghi trong luật định, giờ lại được dùng cho vàng, một mặt hàng mà nếu ngày hôm nay không cầm một thỏi vàng, chắc chắn chúng ta vẫn sống tốt, sống khoẻ chứ không thể đói ăn, mệt mỏi như thiếu gạo, nước, xăng dầu...
Vì đâu một sản phẩm không thiết yếu như vàng phải thuộc diện hàng bình ổn? Đây là câu hỏi gây đau đầu đối với công tác điều hành và cần phải được trả lời càng sớm càng tốt, khi mà cơn mộng mị vì vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.