Cổ phiếu tăng gần 180% kể từ đầu năm
So với các công ty bán lẻ lớn khác niêm yết trên sàn, cổ phiếu FRT cũng vượt trội hơn nhiều. Cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tăng khoảng 65% kể từ đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng 17%.
Nhìn về dài hạn, cổ phiếu FRT đã vượt mức thị giá niêm yết vào tháng 4/2018 sau ba năm rưỡi. Trong quãng thời gian này, có thời điểm FRT rơi về mệnh giá, tức giảm gần 90%. Hành trình về đỉnh cũ của FRT bắt đầu kể từ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làn sóng đầu tiên, tháng 3/2020.
Biến động giá của FRT so với PNJ và MWG
Cổ phiếu FRT rơi liên tục từ khi lên sàn đến đầu năm 2020 khi mà chưa tìm được hướng đi mới bên cạnh chuỗi bán lẻ điện tử FPT Shop
Chuỗi nhà thuốc có lãi
Vậy điều gì khiến cho cổ phiếu FRT có màn trình diễn tốt đến vậy, đặc biệt là nửa sau năm 2021? Nếu chỉ tính từ ngày 1/7/2021, cổ phiếu FRT tăng từ 27.550 đồng lên 87.200 đồng, tức gấp hơn 3 lần.
Yếu tố đầu tiên có thể nói đến và được xem như động lực tăng trưởng chủ đạo của cổ phiếu FRT là chuỗi nhà thuốc Long Châu. Khi mà bảng bán lẻ điện thoại và laptop bước vào giai đoạn bão hoà, FRT tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với mảng dược phẩm thông qua sáp nhập thêm chuỗi nhà thuốc kinh nghiệm gần 20 năm.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 của FRT cho biết công ty con Long Châu đã có lãi nhẹ trong quý so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý 3 tăng trưởng tốt, đạt 842 tỷ đồng, tăng 207% do công ty này mở thêm 132 nhà thuốc. Tính đến nay, Long Châu đã sở hữu hơn 400 nhà thuốc, quy mô lớn thứ hai Việt Nam sau Pharmacity.
Thực tế từ quý 2/2021, FRT đã thông tin về những tín hiệu tích cực của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Bất chấp việc mở rộng mạnh mẽ, mức lỗ 6 tháng đầu năm giảm so với nửa đầu năm 2020.
Việc vừa mở rộng quy mô lại vừa giảm lỗ, thậm chí có lãi được xem là thành công đáng chú ý đối với Long Châu. Nếu nhìn sang Pharmacity, chuỗi nhà thuốc số 1 Việt Nam trong những năm qua vừa mở thêm và vừa gánh lỗ nặng.
Từ năm 2020, ban lãnh đạo FRT cho biết đã tìm ra "công thức thành công" cho chuỗi nhà thuốc Long Châu. Theo lộ trình, chuỗi nhà thuốc đặt mục tiêu đến năm 2023 có lãi.
Lợi nhuận gấp gần 6 lần nhờ hoạt động tài chính
Nhờ đẩy mạnh mảng dược, trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của FRT đạt mức 14.018 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 14% xuống còn 13,4%. Cùng với doanh thu, chi chí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FRT tăng mạnh. Lợi nhuận ròng đem về đáng chú ý đạt mức 108,5 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm ngoái. EPS sau 9 tháng đạt mức 1.373 đồng.
Lợi nhuận ròng 3 quý đầu năm của FRT tăng khoảng 90 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nếu bóc tách sâu hơn, chênh lệch này thực ra chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.
Năm nay, phần lợi nhuận tài chính theo tính toán vào khoảng 34 tỷ đồng; cùng kỳ năm ngoái FRT lỗ 63 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là mức chênh lệch lên tới 97 tỷ đồng, còn lớn hơn phần chênh lợi nhuận ròng. Hay nói cách khác, tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong năm nay toàn bộ đến từ hoạt động tài chính. Điều này khiến cho kết quả kinh doanh trở nên "đẹp" hơn rất nhiều.
Theo số liệu thuyết minh, doanh thu từ lãi tiền gửi và tiền cho vay của FRT trong 9 tháng đầu năm đạt mức 115 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm ngoái. Lãi chênh lệch tỷ giá trên 12 tỷ đồng so với chỉ 1,2 tỷ đồng cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí lãi vay thậm chí còn giảm, 92 tỷ đồng so với 97 tỷ đồng.
Cho FPT vay gần 6.000 tỷ đồng
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức thấp do chính sách kích thích nền kinh thế phục hồi sau đại dịch, hoạt động tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance) diễn ra tương đối sôi động. FRT có lẽ là một trong những ví dụ điển hình của ngành bán lẻ. Thực tế, mảng bán lẻ điện máy và thiết bị di động trong quý 3 bị ảnh hưởng nặng do làn sóng dịch thứ tư buộc phải đóng cửa hoạt động. Cứu cánh cho FRT chính là mảng dược phẩm; nơi có những yếu tố thuận lợi như thuê mặt bằng trở nên dễ dàng hơn, giá thuê đàm phán được và nhu cầu dược phẩm của người dân tăng cao…
Theo số liệu từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ, tại FRT, số tiền chi cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác trong 9 tháng tăng vọt lên mức 9.605 tỷ đồng, gấp 7,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Tiền thu hồi cho vay và bán lại công cụ nợ của đơn vị khác cũng ghi nhận mức 7.156 tỷ đồng, gấp 4,9 lần. Điều này chứng tỏ rằng hoạt động đầu tư tài chính của FRT diễn ra hết sức sôi động.
Ngoài ra, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính của công ty đạt mức dương 2.683 tỷ đồng nhằm có nguồn tiền tài trợ cho hoạt động đầu tư tài chính như đã đề cập.
Theo thuyết minh, FRT thực hiện giao dịch tài chính chủ yếu với bên liên quan. Trong 9 tháng đầu năm, công ty này cho CTCP FPT vay 5.985 tỷ đồng; ngược lại, thu hồi khoản vay 4.485 tỷ đồng. Những con số này gấp gần chục lần năm ngoái.
Tại thời điểm 30/9/2021, khoản phải thu cho vay ngắn hạn với FPT ghi nhận 2.345 tỷ đồng.
Một chi tiết khác cũng cần lưu ý. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ, đạt mức 2.834 tỷ đồng. Trong khi, vay nợ ngắn hạn của FRT tăng gấp đôi từ 2.486 tỷ đồng lên 5.153 tỷ đồng. Khoản vay tăng lên đều đến từ các ngân hàng nước ngoài.
Nhưng cũng xin lưu ý rằng, không chỉ FRT, hoạt động Corporate Finance cũng được nhiều doanh nghiệp lớn triển khai rất mạnh trong năm nay như là "tay trái đỡ tay phải" trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính sa sút vì đại dịch. Không đâu xa, MWG chính là đơn vị rất giỏi trong việc như vậy.