Chị Nguyễn Thị Thanh Thanh Tuyết Mai, 31 tuổi, quê ở Đồng Tháp cách đây 3 năm, hàng ngày vẫn đi xe 3 bánh từ quận Thủ Đức, TPHCM đến trụ sở Enablecode ở quận 2, TPHCM để làm việc. Chị Mai bị khuyết tật đôi chân, không thể di chuyển bằng xe 2 bánh như bình thường. Công việc của chị Mai ở Enablecode là làm các công việc liên quan đến máy tính, chẳng hạn như đánh lại các ký tự mà máy học không làm được…. Mỗi tháng, chị Mai nhận được khoản lương khoảng 7-8 triệu đồng.
Chị Mai làm ở Enablecode đến khi chị sinh con gái thì nghỉ. Hiện tại, thỉnh thoảng chị vẫn tranh thủ làm tại nhà công việc của Enablecode khi chăm sóc con gái nhỏ 11 tháng tuổi để kiếm thêm thu nhập dù đi lại khó khăn.
Anh Trần Quang Phúc (áo kẻ xanh)
Anh Trần Quang Hoàng Phúc, theo lời kể của ông Colin, nhà sáng lập Enablecode, là một trong những nhân viên xuất sắc nhất hiện tại. Anh Hoàng Phúc tay chân kém linh hoạt, phải đi nạng và di chuyển cần người trợ giúp. Bản thân anh Phúc cũng gặp khó khăn khi nói, nên ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp.
Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, anh Hoàng Phúc tâm sự, anh đã làm ở Enablecode được vài tháng. Lương trung bình anh được trả khoảng 7 triệu đồng. Tại công ty, anh đang theo dự án về hand-writing, nghĩa là đánh máy lại những ký tự đặc biệt mà AI không làm được.
Bản thân anh Phúc thấy mình may mắn vì có công việc, có thể tự làm ra tiền để kiếm sống để cuộc sống thêm ý nghĩa. Và hiện giờ, anh Phúc có thể làm tại nhà, vì chính sách của công ty là có thể làm trực tuyến, không cần đến văn phòng từ trước Covid-19.
Rất nhiều người khuyết tật khác đang làm việc tại Enablecode bởi họ được lao động, được kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, thay vì được gia đình che chở vì những khiếm khuyết trên cơ thể. Và đó cũng là sự tích lũy cho tương lai, khi một mai, cha mẹ họ già đi…, họ vẫn có thể sống được bằng chính sức lực của mình.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục người khuyết tật đã làm việc tại Enablecode, công ty công nghệ do ông Colin Blackwell là nhà sáng lập và CEO.
Các nhân viên tại Enablecode
Từng làm quản lý nhân sự toàn cầu cho tập đoàn vật liệu xây dựng lớn trên thế giới của Đức và quyết định về Việt Nam mở công ty IT cho người khuyết tật
Ông Colin đến Việt Nam những năm 1990 và làm về nhân sự nhiều năm tại Việt Nam.Sau đó, ông tới Đức và đảm nhận vị trí quản lý nhân sự toàn cầu cho Heidelberg Cement, tập đoàn vật liệu lớn trên thế giới với quy mô vài chục ngàn nhân sự.
Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra cách đây 12 năm khiến doanh nhân Anh quốc không còn muốn tiếp tục làm công việc ngày đó bởi ông phải đứng trước một chương trình phải sa thải rất nhiều lao động, đồng nghĩa với hàng bao con người mất việc làm, gia đình của họ cũng tất yếu bị ảnh hưởng. Ông thấy buồn và trăn trở.
Đầu những năm 2000, ông Colin quay lại Việt Nam và thấy Việt Nam còn đẹp hơn nữa, với người dân thân thiện, dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Ông Colin vẫn làm trong mảng nhân sự nhưng tham gia nhiều hơn vào hoạt động cộng đồng. Ông tìm hiểu và thấy rằng, người khuyết tật không may mắn vẹn toàn trên cơ thể nhưng họ có nội lực rất lớn và thường được gia đình bảo bọc rất kỹ.
"Ở Việt Nam, không có nhiều công việc cho người khuyết tật. Trong khi đó, người khuyết tật có thể làm máy tính rất tốt. Họ học rất nhanh. Và nhiều gia đình thường bảo bọc, chăm sóc họ quá mức. Nếu có một công việc, những người thiếu may mắn có thể tự kiếm sống và tìm ra giá trị của mình", ông Colin chia sẻ với Trí Thức Trẻ.
Theo số liệu Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam có hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật.
Đi nhiều nơi và ông Colin thấy rằng, nội lực của họ rất lớn và chỉ cần trao cho họ cơ hội, họ sẽ làm được những việc có ý nghĩa cho bản thân, tự lo được cho cuộc sống. Họ học được những kỹ năng, công việc để sau này khi những người thân của họ già đi thì vẫn có thể tự lâp được. Và thế là Enablecode ra đời cách đây 6 năm. Enable ngược nghĩa với disable (khuyết tật), còn code biểu trưng cho công nghệ thông tin. Enablecode nghĩa là khả năng sử dụng công nghệ thông tin.
Hiện tại, dự án mà Enablecode đang triển khai đó là hand-writing, đánh máy thủ công. Hiểu nôm na là người khuyết tật sẽ đánh máy lại những ký tự mà AI chưa nhận diện được. Ví dụ, trong một bức ảnh có nhiều cửa hàng khác nhau, thường thì con người sẽ nhận diện được đâu là quán cà phê, đâu là cửa hàng bánh, đâu là menu, đâu là địa chỉ của quán… nhưng đôi khi AI không nhận ra. Phần đánh máy chỉ rõ các địa điểm, vật dụng là công việc của người khuyết tật.
Đây là một trong những dự án mà Enablecode đang nhận từ đối tác ở châu Âu, khi đối tác này muốn giới thiệu các địa điểm du lịch trên mạng toàn cầu.
Ông Colin cho biết hiện tại Enablecode đang kết hợp với các trung tâm, cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật để tìm kiếm những người muốn làm việc.
Năm 2018, Enablecode đoạt vị trí Á quân giải Blue Venture Awards, giải thưởng doanh nhân cộng đồng, đứng sau Vulcan Augmetics chuyên về cánh tay robot.
"Tôi còn nhớ như in cảnh bạn nhân viên tặng tôi thanh socola khi nhận được lương tháng đầu"
Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Colin bồi hồi nhớ lại cảnh bạn Trần Quang Hoàng Phúc tặng ông thanh socola và quà tặng khác cho các đồng nghiệp. "Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Bạn ấy (Hoàng Phúc) nhận được lương và hơn thế nữa là giá trị mà bạn ấy tìm thấy trong công việc", ông Colin nói.
Sau 6 năm hoạt động, hiện tại có khoảng hơn 30 người khuyết tật làm dự án hand-writing cho Enablecode. Thay vì trước đây, họ đến văn phòng thì họ có thể làm ở nhà và trao đổi qua các phần mềm để liên hệ với nhau.
Việc làm trực tuyến Enablecode đã tiến hành từ lâu, do đó, khi Covid-19 xảy ra, công việc vẫn diễn tiến bình thường mà không bị ảnh hưởng.
Lý do là Enablecode thấy việc di chuyển của người khuyết tật lên văn phòng khó khăn, vất vả nên đã quyết định làm việc online. Trong trường hợp rất cần mới gặp nhau trực tiếp để bàn công việc. Việc hướng dẫn nhân sự, đào tạo kỹ năng cho họ cũng thực hiện qua các công cụ trực tuyến.
CEO của Enablecode chia sẻ rằng, công ty không đặt ra tiêu chí tuyển dụng nào. "Chỉ cần họ biết sử dụng máy tính và muốn làm là được. Có người mất một tay hoặc tay rất yếu nhưng họ quyết tâm và vẫn hoàn thành được công việc", ông Colin nói.
Ông Colin kể rằng, nhiều khi có người này thấy khó, thấy nản, phía công ty lại lên dây cót tinh thần, động viên vì thực sự công việc nào cũng khó khăn, ngay cả với người lành lặn.
CEO của Enablecode nhận định rằng, công việc về công nghệ thông tin rất hợp với người khuyết tật. Vì họ có thể học được các kỹ năng rất nhanh từ các kênh trực tuyến và có thể làm được mà không mất nhiều sức lực như lao động chân tay.
Thời gian tới, ông Colin cho hay sẽ tiếp tục nhận thêm các dự án để có thể tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người khuyết tật.
"Để người khuyết tật tao ra giá trị, họ sẽ thấy hạnh phúc hơn", ông Colin nhiều lần nhắc lại với chúng tôi trong buổi trò chuyện.