9 tháng đầu năm, FPT đạt tăng trưởng khả quan tại hầu hết các mảng kinh doanh. Trong đó hai mảng chủ lực là khối Công nghệ đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 7% và 16%; khối Viễn thông tăng trưởng 14% và 10% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, yếu tố đáng chú ý nhất trong năm nay đó chính là tiến trình tái cấu trúc đang diễn ra theo hướng khá tích cực. Hiện FPT đã hoàn tất bán 30% CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Sắp tới FPT dự kiến sẽ tiếp tục bán thêm 10% vốn tại đây cho các NĐT nhỏ lẻ, sau đó thực hiện IPO và niêm yết. Ngoài ra, FPT đang đàm phán chuyển nhượng 52% tại CTCP Thương mại FPT (FPT Trading), kỳ vọng hoàn tất thương vụ ngay trong năm 2017.
Hai thương vụ thoái vốn trên được nhóm phân tích CTCK Rồng Việt (RongViet Research) cho biết sẽ là cơ hội cho FPT tập trung đẩy mạnh các mảng kinh doanh truyền thống. Không còn hợp nhất Phân phối và Bán lẻ, mặc dù doanh thu hợp nhất giảm, FPT có thể cải thiện biên lợi nhuận rõ rệt và tinh giản hàng tồn kho, khoản phải thu và nợ vay ngắn hạn gắn liền với hoạt động buôn bán hàng hoá.
Về mặt tài chính, RongViet Research ước tính FPT có thể ghi nhận gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn và kỳ vọng tạo thay đổi tích cực cho báo cáo tài chính năm 2017 của FPT.
RongViet Research cũng dự báo biên lợi nhuận ròng của FPT có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận ròng bởi không phải hợp nhất doanh thu tại hai mảng Phân phối và Bán lẻ trong khi vẫn nhận được 47% lợi nhuận được chia. Bên vận đó, bảng cân đối kế toán của FPT giảm đáng kể lượng hàng tồn kho và khoản phải thu đồng thời ít gây áp lực lên vốn lưu động. Do đó, vay nợ ngắn hạn cũng sẽ chịu ít áp lực hơn, giúp giảm chi phí lãi vay cho công ty.
Việc ngưng hợp nhất hai công ty con trên cũng sẽ không làm giảm đáng kể lượng tiền mặt trên báo cáo hợp nhất, thậm chí có thể tăng nắm giữ tiền mặt nhờ khoản thu được từ thoái vốn ước tính 1.896 tỷ đồng. Theo đó, cho rằng thu nhập từ lãi tiền gửi của FPT cũng sẽ tăng mạnh, mang lại lợi nhuận tài chính ròng dương cho FPT từ năm 2018.