Có thể bán ra hơn 41 triệu cổ phiếu quỹ
Năm 2018 đánh dấu năm đầu tiên cho sự trở lại của Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB ) với bảng cân đối tài sản khá lành mạnh. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 6.388 tỷ đồng, tăng trưởng 140,5% và hoàn thành 112,1% kế hoạch đề ra (5.700 tỷ đồng).
Cũng trong năm 2018, ACB đã chuyển một phần danh mục trái phiếu sang cho vay liên ngân hàng với tỷ trọng danh mục trái phiếu sang cho vay liên ngân hàng từ 20,5% xuống còn 17,8% và tỷ trọng cho vay liên ngân hàng tăng 3,5% lên 6,2%.
Theo nhận định của các chuyên gia tại công ty chứng khoán HSC, đây là xu hướng chung của ngành trong nửa cuối năm 2018 sau khi hầu hết các ngân hàng đã bán trái phiếu lợi suất cao và chốt lời đáng kể khi lợi suất trái phiếu chính phủ chạm đáy. Đồng thời, các ngân hàng ít có khả năng tái đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong thời gian gần do kì vọng lợi suất sẽ tăng.
Cũng theo đánh giá của HSC, ACB là một trong những ngân hàng bán lẻ tốt nhất với sự tăng trưởng bền vững từ các mảng kinh doanh chính, có khẩu vị rủi ro thấp, các hệ số tài chính lành mạnh.
Tuy nhiên, cổ phiếu ACB có một vấn đề là room hiện đã lấp đầy ở mức 30% trong gần 10 năm qua với sở hữu của khối ngoại tập trung ở các nhà đầu tư nước ngoài lớn.
Theo đó, HSC cho rằng, ACB có thể sẽ bán ra 41,42 triệu cổ phiếu quỹ để cái thiện hệ số CAR trước năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 được dự báo đạt 7.772 tỷ đồng
Năm 2019, HSC điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB giảm từ 7.841 tỷ đồng (từ lần dự báo trước đó) xuống 7.772 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng ước tăng 14%, tiền gửi khách hàng cũng tăng 14%.
NIM của ngân hàng được dự báo tăng 0,1%, lên 3,75%. Thu nhập lãi thuần theo đó tăng trưởng 17,1%, đạt 12.136 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng của ngân hàng dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 715 tỷ đồng (giảm 23,2% so với năm 2018) với sự nợ xấu sau khi xử lý tương đương 1% tổng dư nợ.