Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2018. Theo đó, thu từ hoạt động tiền gửi đạt 259,4 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù chi hoạt động bảo hiểm tiền gửi cũng tăng từ 782 triệu đồng lên hơn 1 tỷ đồng song lợi nhuận gộp từ hoạt động bảo hiểm tiền gửi vẫn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu từ hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm 2018 cũng tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 35% do đó lợi nhuận thuần từ bảo hiểm tiền gửi chỉ tăng 15% từ mức hơn 100 tỷ đồng lên 115,8 tỷ đồng. Do lợi nhuận khác âm 122 triệu đồng nên tổng lợi nhuận đạt được của Bảo hiểm tiền gửi ở mức 115,7 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã rót 42.528 tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ trong đó nhiều nhất là kỳ hạn 5 năm với 19.768 tỷ đồng, tiếp đến là kỳ hạn 20 năm với 6.840 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm với 5.803 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm với 3.582 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm với 3.349 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm với 1.284 tỷ đồng.
Với lượng trái phiếu này Bảo hiểm tiền gửi đã thu về 1.272 tỷ đồng tiền lãi, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.
Sau khi trừ đi chi phí hoạt động đầu tư khoảng gần 70 tỷ đồng, chênh lệch thu thi từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi đạt 1.205 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.