Một trong những thú vui của du khách khi đến Hội An (Quảng Nam) là cưỡi trâu đi dạo, học làm nông,... tour du lịch đặc biệt này giúp người nông dân kiếm được tiền đô.
Tuyển trâu làm du lịch
Tại Hội An, nuôi trâu là nghề cho thu nhập khá cao, nhất là khi các công ty du lịch liên kết với bà con nông dân đưa trâu vào làm tour.
Khi có đoàn tham quan, nông dân được huy động đưa trâu ra đồng để hướng dẫn du khách trải nghiệm cưỡi trâu đi dạo, cày bừa, trồng lúa,...
Anh Trần Văn Khoa - Giám đốc điều hành Công ty Jack Trần Tours - cho biết, ý tưởng đưa trâu vào làm du lịch được bắt đầu từ năm 2010. Thời điểm ấy, ở Hội An có rất nhiều trâu nhưng người dân chỉ gắn liền với ruộng đồng, mức thu nhập thấp.
“Lớn lên ở phố cổ và tuổi thơ gắn liền với lưng trâu nên thôi thúc tôi làm gì đó giúp người dân phát triển kinh tế. Thấy du khách thích thú với những chú trâu, tôi đến từng nhà người dân để cùng chia sẻ về tour du lịch đặc biệt này".
Hình ảnh con trâu, ruộng lúa đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam |
Người dân Hội An kiếm được tiền đô nhờ đưa trâu vào làm du lịch thời điểm trước khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh chụp tháng 1/2020 |
"Mới đặt vấn đề nhiều người không tin rằng con trâu có thể làm du lịch. Nhưng bây giờ, những chú trâu đã giúp họ thu về tiền đô”, anh Khoa kể.
Theo anh Khoa, những chú trâu tham gia phục vụ du lịch được tuyển chọn rất kỹ, như có thân hình to khỏe, gương mặt hiền lành, biết cày, bừa,... Riêng trâu có ánh mắt sắc, ốm yếu, đuôi có đốm chấm,... sẽ bị loại trừ.
Bên cạnh đó, trâu được còn huấn luyện để quen với mùi nước hoa, kem chống nắng, hay khi có du khách đến gần, cưỡi lên lưng.
“Con trâu gần gũi với người dân và thông minh nên việc dạy trâu làm du lịch không khó. Điều quan trọng là phải yêu thương, chăm sóc chúng như một thành viên trong gia đình và đặc biệt không để trâu làm việc quá sức. Đến thời điểm này, tour trâu làm du lịch ở Hội An đã có hàng chục hộ tham gia với hơn 100 chú trâu”, anh Khoa chia sẻ.
Đổi đời nhờ trâu
Ông Lê Văn Nhiên (54 tuổi, ngụ Hội An) kể rằng trước kia gia đình ông trồng lúa chỉ đủ ăn. Tuy nhiên, từ khi đưa trâu vào làm du lịch, cuộc sống đã thay đổi rất lớn. Từ 4 con trâu phục vụ du khách, mỗi tháng ông Nhiên thu nhập hơn 15 triệu đồng.
Khách nước ngoài được người dân địa phương hướng dẫn cách cày ruộng làm nông. Đây là trải nghiệm thú vị và xa lạ mà ở nước họ không có. Ảnh chụp tháng 1/2020 |
Theo ông Nhiên, một trong những thú vui của du khách châu Âu, Mỹ khi đến Hội An là cưỡi trâu đi dạo trên những cánh đồng lúa ở ngoại ô, hay cùng trâu đi cày, bừa. Bên cạnh đó là hoạt động trải nghiệm làm nông dân.
“Ở nước ngoài không những trải nghiệm thú vị này. Thậm chí, có người còn quay lại Hội An nhiều lần chỉ để tham gia cưỡi trâu. Nhờ đó, nông dân chúng tôi có thu nhập cao và cuộc sống tốt hơn trước kia rất nhiều”, ông Nhiên chia sẻ.
Không chỉ ông Nhiên, nhiều gia đình ở Hội An nhờ đưa trâu vào làm du lịch đã tạo thu nhập cao, thay đổi kinh tế. Thậm chí, có người được các công ty sẵn sàng trả lương để chung tay xây dựng tour du lịch trải nghiệm đặc biệt này.
Tuy nhiên, gần một năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách nước ngoài không có nên đàn trâu ở Hội An rơi vào cảnh "thất nghiệp". Không có thu nhập từ du lịch, những người dân vẫn duy trì đàn trâu để cày bừa và huấn luyện chờ ngày phục vụ khách trở lại.
Theo anh Trần Văn Khoa, trước thời điểm chưa có dịch bệnh, ngày cao điểm có hàng trăm du khách tham gia trải nghiệm cưỡi trâu dạo đồng lúa ngắm cảnh, hay tập làm nông dân.
"Thời gian qua, người nông dân ở Hội An mất đi nguồn thu nhập đáng kể từ việc dùng trâu phục vụ du khách. Dù không có khách nhưng chúng tôi vẫn đang chăm sóc tốt cho các chú trâu, đợi ngày hết dịch Covid-19 để kiếm tiền đô trở lại", anh Khoa chia sẻ.
Khách nước ngoài cưỡi trâu, chụp hình lưu niệm |
Đây là tour du lịch đặc biệt đối với mỗi du khách khi đến Hội An. Ảnh chụp tháng 1/2020 |
Anh Trần Văn Khoa (bìa trái) và ông Nhiên bên chú trâu thân thuộc. Ông Nhiên duy trì chăm sóc trâu để đợi khách quay lại. Ảnh chụp tháng 1/2021 |
Không chỉ cưỡi trâu, du khách còn được trải nghiệm dùng gàu tát nước vào ruộng, gặt lúa. Ảnh chụp tháng 1/2020 |
Hồ Giáp