Khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong cách đây 2 năm, tình hình tài chính của Ngân hàng Cẩm Châu (BoJ) rất xấu. Ngân hàng này đã phát hành "các sản phẩm quản lý tài sản" trị giá 34 tỷ nhân dân tệ (5,36 tỷ USD) - dấu hiệu của ngành ngân hàng "ngầm" Trung Quốc - và có khoản vay 9 tỷ NDT từ một con nợ giấu tên đang bị nhà quản lý Hong Kong điều tra.
Sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, Chính phủ Trung Quốc đang phát động một chiến dịch "truy quét" nợ. Tháng 12/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nói cắt giảm nợ là một trong những "trận chiến quan trọng" của Bắc Kinh trong 3 năm tới, bên cạnh giảm ô nhiễm và đói nghèo.
Ngân hàng "ngầm" và rủi ro
BoJ và các ngân hàng vốn cấp 2-3 ở khắp Trung Quốc là những cái tên còn đặt ra nhiều thách thức. Trước khi niêm yết, BoJ gần như vi phạm mọi quy tắc thận trọng. Cho vay lẽ ra nên là hoạt động cốt lõi thì lại chỉ chiếm một phần nhỏ của ngân hàng này. Thay vào đó, ngân hàng đầu tư và bán các sản phẩm quản lý tài sản có lợi tức cao, phức tạp mà Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đang cố gắng kiểm soát.
Ngay cả khi Trung Quốc thắt chặt quản lý các hoạt động cho vay, nhiều công ty vẫn tìm ra cách khác. Một số, đặc biệt trong các lĩnh vực không "được lòng" Chính phủ như bất động sản, đang đẩy mạnh rót tiền vào thị trường trái phiếu USD để tránh những yêu cầu phức tạp trong nước đồng thời lợi dụng sức mạnh gần đây của đồng nhân dân tệ. Điều này cũng mang rủi ro nếu đồng NDT yếu lại.
Công ty Trung Quốc đang "nghiện" nợ USD (Nguồn: Nikkei).
Chưa hết, người dân gần đây đang có xu hướng thế chấp và vay mượn để mua hàng hóa hay dịch vụ khiến nợ hộ gia đình đang tăng lên nhanh chóng. Điều này có mối liên hệ chặt chẽ với thế giới tài chính mạng đang phát triển nhanh nhưng ít bị kiểm soát. Nhà chức trách đặt ra một số hạn chế đối với một nhóm công ty trong mảng này vì lo ngại nhiều khách hàng đang vay tiền từ người này để trả cho người khác, tạo ra một chuỗi mắt xích yếu.
Doanh nghiệp vay nhiều nhất nhưng nợ hộ gia đình cũng đang tăng nhanh (Nguồn: Nikkei).
Vào giữa tháng 1, Chủ tịch Guo Shuqing của CBRC cho biết tình trạng nợ xấu, quản lý rủi ro yếu và ngân hàng "ngầm" gia tăng có thể dẫn đến hiện tượng "thiên nga đen" (sự kiện kinh tế không lường trước được).
"Trận chiến quan trọng"
Các nhà quản lý có nhiều cú đánh mạnh vào khu vực ngân hàng "ngầm" và hãm phanh một loạt công ty lớn dùng vốn vay để mua tài sản khắp thế giới như Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, HNA và Dalian Wanda. Ngày 23/2, Wu Xiaohui, người sáng lập Anbang, bị buộc tội gian lận và tham ô và Chính phủ chính thức "tiếp quản" tập đoàn này.
Tổng nợ của các ngân hàng Trung Quốc tăng 4 lần trong giai đoạn 2008-2018 (Nguồn: Nikkei).
Những nỗ lực này gửi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Bắc Kinh để tẩy sạch hệ thống tài chính đang có quá nhiều rủi ro - một thông điệp dự kiến sẽ được đưa tại lễ khai mạc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Khóa XIII hôm nay (5/3). Cùng lúc đó, các nhà quản lý cũng xoa dịu lo ngại rằng "núi nợ" của Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hay khủng hoảng tài chính châu Á 1997.
Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn, về quy mô nợ khổng lồ (UBS ước tính chiếm 272% GDP vào cuối năm ngoái) và về chính hậu quả không mong đợi vào nền kinh tế từ các nỗ lực của Chính phủ. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Bắc Mỹ năm ngoái giảm 35% do đợt truy quét đối với việc mua bán tài sản như khách sạn hạng sang, đội bóng hay thậm chí là các hãng phim Hollywood.
Ông Guo lo lắng về một "thiên nga đen" tiếp theo (Nguồn: Nikkei).
Việc siết chặt này là lý do chính khiến các nhà phân tích hạ bậc dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 6,9% năm ngoái xuống 6,6-6,7% trong năm nay, ngay cả khi hoạt động xuất khẩu khởi sắc sau đợt phục hồi toàn cầu.
Bất kể tác động của cuộc đàn áp nợ đối với nền kinh tế thực là gì, các nhà quản lý vẫn quyết tâm tiêu diệt hoạt động "tín dụng đen". Chính phủ nước này đã đạt được một số tiến bộ: Năm ngoái, tổng tài sản ngân hàng "ngầm" tăng trưởng chỉ khoảng 1/10 của 2016, theo ước tính của Moody's.
Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc phủ nhận những lo ngại từ cả bên trong và bên ngoài và quyết tâm không để cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo xảy ra ở đây.