Theo đó, bài báo cho rằng, tài chính khí hậu mới là vấn đề gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Cụ thể, chuyên gia đến từ Đại học Brown (Mỹ), ông Arvind Subramanian cho biết, trong vài năm gần đây, đặc biệt sau Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow vào tháng 11/2021, các nhà đầu tư tư nhân đã nhận thấy cơ hội trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đưa lượng phát thải ròng về không, chủ yếu dưới hình thức tài chính xanh dưới dạng các khoản vay về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Theo ông Arvind, các nước đang phát triển không nên lo lắng rằng sẽ có quá ít tài chính cho khí hậu, mà là sẽ có quá nhiều, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Bởi lẽ, biến đổi khí hậu mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội để thực hiện lợi ích xã hội toàn cầu mà không phải hy sinh lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động này đang có xu hướng tạo ra một bong bóng tài chính mới. Trả lời PS, cựu nhân viên đầu tư cấp cao tại BlackRock, ông Tariq Fancy đã giải thích rằng, cơ hội cho các dự án xanh ở các nước đang phát triển đang bị thổi phồng quá mức.
"Các tiêu chuẩn về ESG chưa rõ ràng có thể tác động đến hoạt động cấp vốn cho các dự án năng lượng sạch. Nếu hàng nghìn tỷ USD tài chính cho khí hậu được chuyển đến các thị trường mới nổi, nguồn vốn này có thể lên tới 5-10% GDP ở các nền kinh tế này, tương tự như đợt tăng tài chính xảy ra trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997", ông Tariq Fancy cho hay.
Các dòng vốn tư nhân không được kiểm soát sẽ dẫn đến sự biến động, cho vay không thận trọng và tỷ giá hối đoái được định giá quá cao. Cuối cùng, khi dòng vốn đầu tư trở nên quá nóng, hậu quả là dòng vốn sẽ đảo ngược, và cả sản lượng và khu vực tài chính sẽ sụp đổ.
Theo PS, thông thường, sự sụp đổ tài chính tiếp theo sẽ đến từ bong bóng tiền điện tử. Nhưng tài chính khí hậu có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng hơn. Các thị trường tài chính vốn đã cảnh giác với tiền điện tử và những thứ tương tự, do nhận ra rằng đây là những tài sản vốn có rủi ro.
Ngược lại, đầu tư vào ESG có vẻ nghiêm túc hơn và ít rủi ro hơn, và lợi ích xã hội to lớn mà những dự án này đem lại có thể sẽ khiến các cơ quan quản lý bỏ qua những yếu tố rủi ro khác.
Tham khảo: Project Syndicate