Trung Quốc, Canada và Hong Kong là 3 nền kinh tế có rủi ro khủng hoảng ngân hàng lớn nhất thế giới, chỉ báo sớm từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết.
Canada - nền kinh tế vừa đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất 7 năm trong năm ngoái - đã bộc lộ một số biểu hiện ban đầu của khủng hoảng ngân hàng như số lượng thẻ tín dụng hộ gia đình tăng đột biến, tổng nợ trong nền kinh tế ở mức cao.
Nghiên cứu của BIS chỉ ra rằng vay nợ hộ gia đình cũng là mối đe dọa khiến khủng hoảng ngân hàng đến sớm nhất của 2 nền kinh tế khác trên thế giới là Trung Quốc và Hong Kong.
Trong tài liệu đánh giá hàng quý của BIS công bố vào ngày hôm qua, các chuyên gia phân tích Inaki Aldasoro, Claudio Borio và Mathias Drehmannwrote đã chỉ ra sự gia tăng rủi ro khủng hoảng ngân hàng ở một số nền kinh tế.
Nghiên cứu đưa ra một kết quả đáng ngạc nhiên. Ví dụ, Italy không hề nằm trong danh sách quốc gia có nguy cơ khủng hoảng, mặc dù nền kinh tế đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm chạp và các ngân hàng tại đây cũng bị mắc kẹt trong các khoản nợ xấu. Trong khi đó, một số nền kinh tế tăng trưởng tốt lại có nguy cơ cao nhất.
BIS được biết đến như ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương. Trong khi Trung Quốc vẫn nằm top 3 nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng cao nhất, BIS cho rằng "khoảng cách" nợ với GDP của quốc gia này đã được cải thiện. Điều này có thể gợi ý rằng chính phủ Trung Quốc đang có những tiến bộ trong nỗ lực giảm rủi ro của ngành tài chính.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc trong năm 2017 giảm đáng kể so với năm 2016
"Hiệu quả của trung gian tài chính đang được cải thiện", ông Ding Shuang - chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard Chartered Hong Kong nhận định. "Điều này làm chậm lại tốc độ tăng tỷ lệ nợ trên GDP, tạo điều kiện cho tổng nợ trong nền kinh tế giảm".
Trung Quốc đang nghiêm túc hơn với những mối đe dọa trong hệ thống tài chính của mình. Giảm thiểu rủi ro đã trở thành "câu thần chú" của chính phủ kể từ năm 2015. Các chính trị gia quyền lực nhất quốc gia này đã tăng cường chỉ thị mọi thứ từ ngân hàng đến đầu cơ chứng khoán.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đã đặt mục tiêu hạn chế tăng trưởng các sản phẩm quản lý tài sản và vay liên ngân hàng với tập trung gần đây vào nợ hộ gia đình.