Theo Bloomberg, sau khi đã hành động chậm chạp và để lạm phát tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương dẫn đầu là FED đã sẵn sàng hành động quyết liệt trong cuộc chiến chống lại đà leo thang giá cả. Các thống kê cho thấy, khoảng 90 quốc gia đã nâng lãi suất trong năm 2022, với khoảng một nửa đã thực hiện ít nhất một đợt tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm %.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Câu hỏi được đặt ra là mức tổn hại đó sẽ lớn đến đâu?
Theo quỹ đầu tư BlackRock, việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của FED sẽ đồng nghĩa với một cuộc suy thoái sâu và khiến thêm 3 triệu người Mỹ mất việc làm. Mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ còn khiến nền kinh tế suy giảm mạnh hơn.
"Việc hạ nhiệt lạm phát sẽ mất nhiều thời gian. Trong khi đó, Vương quốc Anh và Eurozone có thể sẽ rơi vào suy thoái trong quý IV năm nay khi giá năng lượng tăng mạnh, gây thiệt hại cho các nền kinh tế này trong mùa Đông. Còn với nền kinh tế Mỹ, suy thoái có thể diễn ra vào năm tới", ông Ethan Harris - chuyên gia kinh tế trưởng Bank of America nhận định.
Đồng USD. (Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên, ngay cả khi đã chấp nhận cái giá phải trả là sự suy giảm kinh tế, các quốc gia chưa chắc đã có thể giải thành công bài toán lạm phát, vốn chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng và chuỗi cung ứng - yếu tố vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương.
Ông Greg Swenson - Nhà sáng lập ngân hàng đầu tư Brigg Macadam đánh giá: "Tăng lãi suất không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề lạm phát. Trong số những lần Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất, tỷ lệ thành công là 75%. Kết quả của FED thì kém hơn và nhiều lần còn dẫn tới suy thoái kinh tế. Có một số rủi ro và trừ khi vấn đề nguồn cung được giải quyết các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi kinh tế suy thoái bởi đây là cách duy nhất để khiến nhu cầu giảm mạnh".
Hôm 15/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái "thảm khốc" trong năm tới nếu họ tiếp tục tăng lãi suất lên mức quá cao và gây căng thẳng thị trường tài chính.
WB cũng kêu gọi cơ quan quản lý tiền tệ ở các nền kinh tế lớn cần phối hợp hành động để giảm mức thắt chặt định lượng tổng thể, qua đó hạn chế những tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.