Biến động giá trị đồng USD và chính sách tiền tệ của Mỹ tác động trực tiếp và rất đáng kể tới sự phát triển kinh tế và thương mại, tới thực trạng tài chính và tiền tệ của tất cả những quốc gia trên thế giới có mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trực tiếp với Mỹ cũng như tham gia vào các mối quan hệ kinh tế đối ngoại trên thế giới.
Chính sách tiền tệ thận trọng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo. Cựu Chủ tịch FED, bà Janet Yellen, đã không được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm lại. Với quyết định này, ông Trump đã “vứt bỏ” truyền thống bất thành văn lâu nay ở FED là Tổng thống mới tiếp tục sử dụng nhân sự Chủ tịch FED của người tiền nhiệm. Người kế nhiệm bà Yellen được ông Trump lựa chọn là ông Jerome Powell vốn đã gây dựng sự nghiệp trong nhiều năm qua ở FED và từng là phó tướng của bà Yellen. Điều đáng chú ý ở đây là quan điểm của người mới về chính sách tiền tệ của FED gần như không hề khác biệt gì với quan điểm chính sách của người tiền nhiệm, tức là ông Trump không tiếp tục bổ nhiệm bà Yellen nữa không phải vì bất đồng quan điểm giữa hai người về chính sách tiền tệ của FED mà do bà Yellen là "người của người tiền nhiệm".
Quan điểm chính sách của Tân Chủ tịch FED Jerome Powell gần như không có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm Janet Yellen. Ông Jerome Powell (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: AP
Sự thay đổi nhân sự ở cương vị lãnh đạo FED không có nghĩa là chính sách tiền tệ của FED tới đây sẽ thay đổi. Ông Trump không có lợi ích gì trong việc điều hành chính sách của FED và ông Powell cũng không có chủ định thay đổi chính sách lâu nay của FED. Nội dung cốt lõi của chính sách ấy là tăng một cách rất thận trọng lãi suất chủ đạo cho dù kinh tế Mỹ hiện đã tăng trưởng khả quan và đồng USD bị mất giá ở mức độ không nhỏ so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Cũng chính vì thế mà đồng tiền này hiện trong tình trạng nghịch lý rất đặc biệt: lẽ ra phải mạnh thì nó lại yếu, và lẽ ra phải cao thì lãi suất chủ đạo của nó lại thấp.
Rủi ro nan giải từ USD
Thông thường, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và liên tục trong thời gian khá dài và lãi suất cho trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao như hiện tại, thì tỷ giá hối đoái của USD so với những đồng ngoại tệ chủ chốt khác phải tăng chứ không giảm. Vậy mà hiện tại lại thấy tình trạng giá trị của USD thấp nhất kể từ năm 2014 và tỷ giá hối đoái của đồng tiền này giảm liên tục từ cuối năm 2016, đầu năm 2017 so với những đồng tiền được FED xếp vào diện thành phần để xác định cái gọi là "chỉ số USD” từ năm 1998. Rõ ràng giá trị USD hiện không còn chịu tác động bởi tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Tình trạng này còn kéo dài bao lâu là câu hỏi thật không ai có thể trả lời được.
Một lý do khác nữa là lo ngại về tác động tiêu cực về phương diện tài chính và tiền tệ của cuộc cải cách thuế mà ông Trump không tiếc lời tung hô. Trước mắt, cuộc cải cách này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ngay trong năm nay, nó sẽ làm cho thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng mạnh mẽ và mức độ nợ công của quốc gia này “thăng thiên” lên mức độ kỷ lục mới. Theo phân tích của Bank of America, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm 2018 sẽ phải là ít nhất 790 tỷ USD, chứ không chỉ có 645 tỷ USD như dự kiến, và năm 2019 có thể tăng lên 1.050 tỷ USD chứ không phải là 689 tỷ USD như kế hoạch đề ra.
Từ cuối năm 2015 đến nay, FED đã 5 lần tăng lãi suất chủ đạo lên mức hiện tại từ 1,25 đến 1,50%. Tức là điều chỉnh lãi suất quan trọng này không ít lần, nhưng lần nào cũng chỉ với mức độ rất nhỏ, thể hiện cách tiếp cận rất thận trọng và như thể vừa xử lý tình huống vừa thử nghiệm chính sách. Từ giác độ những dữ liệu kinh tế, thì lẽ ra FED có thể tăng mạnh mẽ hơn lãi suất chủ đạo và phải làm thế để giúp USD không bị mất giá. Thế nhưng, FED đã không làm vậy vì chưa thực sự tin tưởng vào mức độ bền vững của tăng trưởng kinh tế Mỹ, vì ngân hàng trung ương của các đồng tiền khác trên thế giới về cơ bản vẫn thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc duy trì lãi suất thấp và tiếp tục bơm tiền vào thị trường tài chính. Ngoài ra, FED không muốn đối đầu với ông Trump vì chính quyền Trump muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp và thực thi chính sách đồng USD yếu.
Những nghịch lý nói trên của USD vừa gây khó, vừa tạo thuận lợi cho các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ. Lãi suất thấp không khuyến khích đầu tư vào Mỹ và đồng USD yếu không giúp thúc đẩy xuất khẩu vào Mỹ, nhưng việc trả nợ của các quốc gia bằng đồng USD lại thuận lợi. Tương tự như vậy đối với việc tăng dự trữ đồng dollar. Tuy nhiên, những nghịch lý ấy hàm chứa nhiều rủi ro về tính không ổn định của cả giá trị của USD lẫn chính sách tiền tệ của FED, mà các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ không thể không cảnh giác phòng ngừa. Đối phó với rủi ro tiền tệ liên quan đến USD là bài toán nan giải đối với những quốc gia có thặng dư cán cân thương mại với Mỹ và dự trữ ngoại tệ chủ yếu bằng đồng USD.