Rừng già “hóa tro”…
Dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều chỉ thị, công văn và tăng cường thêm lực lượng chức năng để quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn, nhưng không hiểu vì sao rừng lại càng bị chặt phá nhiều hơn. Liệu sự việc này có sự “nhúng tay” của các cơ quan chức năng cấu kết với “lâm tặc”? Đó vẫn là câu hỏi đối với các ngành chức năng Quảng Nam.
Gỗ rừng bị chặt hạ nằm la liệt trong rừng do “lâm tặc” chưa kịp chuyển ra ngoài. Ảnh: T.H
"Đối với việc bảo vệ rừng, lâu nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam rất cương quyết, kể cả Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp khẩn đối với các Bí thư của 9 huyện miền núi tìm giải pháp bảo vệ rừng và yêu cầu mỗi huyện xây dựng một kế hoạch cụ thể để bảo vệ rừng. Ngoài ra tỉnh cũng đã lên kế hoạch bảo vệ rừng bằng công nghệ thông tin nhằm bảo vệ rừng tốt hơn. Nhưng không hiểu vì sao rừng liên tục bị chặt phá”. Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND |
Từ trước và sau Tết Nguyên đán đến nay, tại Quảng Nam xuất hiện 3 đợt phá rừng cực kỳ nghiêm trọng, đó là vụ rừng phòng hộ Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) bị “người nghèo” chặt phá hàng chục ha để lấy đất trồng rừng chưa nguôi, thì nay lại nổi lên hai vụ rừng lấy gỗ quý tiếp tục diễn ra, đó là rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và rừng gỗ lim quý hiếm ở huyện Nam Giang.
Những ngày cuối tháng 3.2018, nhận thông tin của nhân dân, chúng tôi vượt đường xa có mặt tại khu rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh giữa 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam. Thời gian gần đây cánh rừng này bị “lâm tặc” chặt phá trơ trụi. Điều đáng nói, diện tích rừng bị tàn phá là rất lớn, nhưng các cơ quan chức quản lý lại cho rằng, do chính người dân bản địa lén lút chặt phá để về làm, sửa nhà.
Khi chúng tôi tiến vào rừng bị tàn sát, ngay tại một chòi nhỏ nằm bên đường liên xã nối xã Jơ Ngây và xã Za Hung, huyện Đông Giang, đã phát hiện nhiều phách gỗ lớn được “lâm tặc” đưa về tập kết. Sau đó, chúng tôi tiếp tục men theo con đường mòn vượt núi chừng hơn 2 giờ đồng hồ, khi mới đặt chân đến khu vực giữa rừng phòng hộ Sông Kôn, một cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng chục gốc cây cổ thụ nằm trơ trụi “rỉ máu”.
Bên cạnh đó, hàng chục thân cây 2 người ôm không xuể bị đốn hạ còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi với đường kính từ 1,2 -1,5m, dài từ 8 - 10m, có cây dài gần 20m. Căn cứ theo dấu vết tại hiện trường, đây là một vụ phá rừng có quy mô lớn.
Ông Hồ Văn Minh - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn cho biết: “Việc rừng bị chặt phá do chính người dân bản địa, họ lén lút chặt để về làm, sửa nhà”.
Một cây gỗ lim cổ thụ quý hiếm ở huyện Nam Giang chỉ còn trơ lại gốc. Ảnh: T.H
Ông Minh nói thêm: Lâu nay, công tác quản lý hằng tháng họp giao ban và giao trách nhiệm quản lý cho các trạm phối hợp với các nhóm hộ. “Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhưng khi đi không phát hiện ra việc phá rừng, khi về “lâm tặc” lại lén lút khai thác nên rất khó phát hiện ra đối tượng. Mặt khác, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng rất khó quản lý nên “lâm tặc” lợi dụng phá rừng” - ông Minh phân trần.
Theo Công an huyện Đông Giang, qua điều tra, theo dõi, ngày 8.3, Công an huyện bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép là Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng (thường trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang). Đến ngày 21 và 22.3, các ngành chức năng gồm: Công an, Viện Kiểm sát, Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang, BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, UBND xã Tà Lu, xã Jơ Ngây đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Khu vực xảy ra vi phạm thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 Zà Hung; huyện Đông Giang.
Hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung theo địa giới hành chính. Theo lâm phận quản lý thì có 12 gốc thuộc UBND xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ Sông Kôn.
Uớc tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299m3.
Qua điều tra của lực lượng công an, đến nay đã phát hiện được 5 đối tượng khai nhận hành vi khai thác một số gốc trong số 33 gốc chặt hạ ở khu vực trên, gồm: Ông Vũ Văn Trứng và ông Vũ Văn Cưng (cả hai cùng trú tại xã Jơ Ngây); ông Nguyễn Hồng, ông Bhnướch Hồng và ông A Ting Bnóc (cả ba cùng trú xã A Ting, huyện Đông Giang). Trao đổi với báo chí là vậy, nhưng khi làm việc với ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Văn Minh (Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn) lại thừa nhận thiếu sót khi để xảy ra vụ phá rừng.
Rừng lim quý “rỉ máu”
Không riêng rừng phòng hộ Sông Kôn bị tàn sát, rừng lim quý thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang) cũng bị chặt hạ không thương tiếc, những cây gỗ lim cổ thụ có đường kính vài người ôm chỉ còn trơ lại gốc. Đây cũng là huyện nổi tiếng trong vụ phá rừng pơ mu quý hiếm.
Rời cánh rừng Đông Giang, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình xuyên rừng lần thứ hai để thị sát rừng gỗ lim ở huyện Nam Giang. Từ cầu Khe Vinh (xã Chà Val, huyện Nam Giang) phải gần 4 tiếng đồng hồ vượt núi đá dựng đứng, chúng tôi mới bắt đầu tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng lim. Trước mắt chúng tôi, những gốc lim cổ thụ đường kính 3-4 người ôm bị chặt hạ không thương tiếc. Xung quanh là những phách gỗ, vỏ gỗ, mùn cưa nằm ngổn ngang như một đại công trường giữa rừng.
Càng vào sâu, cảnh phá rừng lim càng khủng khiếp hơn. Những cây lim lớn bị xẻ thịt trơ trụi gốc. “Đau xót quá, cũng vì đồng tiền mà những cây gỗ lim quý hiếm bị “lâm tặc” ra tay tàn nhẫn. Rừng bị phá lớn như thế cũng phải mất thời gian dài để chặt hạ, sau đó cưa và vận chuyển ra ngoài. Nhưng cơ quan chức năng ở đâu lại không phát hiện, thật là phi lý” - một người dân địa phương bức xúc.
Theo nhiều cán bộ kiểm lâm cho biết: Gỗ lim là loại cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Gỗ lim có giá trị kinh tế cao. Mỗi cây lim cổ ít nhất cũng trên chục mét khối gỗ, nếu được bán với giá như hiện nay, từ 20-30 triệu đồng/m3, tính ra mỗi cây lim có giá ít nhất 200 triệu đồng nên việc “lâm tặc” nhắm vào rừng lim tất nhiên.
Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Qua kiểm tra, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111m3; trong đó gỗ lim xanh 223,121m3 và gỗ xoan đào 11,990m3...
Ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, Quảng Nam: “Cây gỗ chứ đâu phải cây kim mà phá dễ thế?” Rừng liên tục bị phá là có sự tiếp tay, nhất là tay trong, tay ngoài. “Lâm tặc” vào rừng cũng phải bằng đường rừng, đường núi chứ có phải nhảy từ trên trời xuống đâu mà lực lượng tuần tra lại không phát hiện? Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Hai vụ phá rừng Sông Kôn (Đông Giang) và rừng lim ở Nam Giang, Sở đã chỉ cho lực lượng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xuống kiểm tra cụ thể ở cơ sở, yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm túc, sau đó sở sẽ đánh giá chặt chẽ hơn. Cũng có khả năng “bao che”, nhưng hiện nay chưa thể kết luận được. Sở sẽ phối hợp với cơ quan công an tỉnh xác minh việc này, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm túc. Trương Hồng (ghi) |