Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, khi cái nóng mùa hè bắt đầu hạ nhiệt ở Hồng Kông, vào sáng ngày 21/5, 4 người đàn ông đã chất những thùng xốp lạnh có đá lên hai chiếc thuyền cao tốc rời bến ở làng chài nhỏ Lau Fau San phía Tây Bắc thành phố.
CUỘC RƯỢT ĐUỔI LẦN THEO DẤU TÔM HÙM
Theo hải quan Hồng Kông, điểm đến của những con thuyền này được nghi ngờ là Trung Quốc Đại lục, chỉ cách Deep Bay thuộc tỉnh Quảng Đông vài km.
Một chiếc thuyền đã không đi ra được khỏi vùng nước thuộc địa phận Hồng Kông. Chiếc còn lại chở 4 người đàn ông đã tăng tốc khi hải quan và cảnh sát biển Hồng Kông đuổi theo trong một cuộc rượt nhau đầy kịch tính.
Những kẻ buôn lậu đã trốn thoát nhưng phần lớn hàng hóa bất hợp pháp của họ đã bỏ lại tại một bến tàu gần đường Nim Wan. Và những gì cảnh sát thu được đã làm nổi bật nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc Đại lục đối với mặt hàng về loài giáp xác được cho là biến mất khỏi các thị trường và nhà hàng Trung Quốc trong những tháng gần đây: tôm hùm đá Úc.
Một cuộc điều tra kéo dài một tháng của SCMP đã tiết lộ độ phổ biến của những mặt hàng ở "chợ xám" (hoạt động trao đổi hàng hóa không chính thức) được sử dụng để buôn lậu tôm hùm Úc từ Hồng Kông sang Trung Quốc Đại lục, theo nhiều nguồn tin thương mại giấu tên.
Một thương nhân ở Hồng Kông cho biết: "Hầu hết các con tôm hùm nhập lậu là loại tôm tùm đá ở Úc." Người mua hàng của Đại lục đã quá quen với hương vị của món tôm này, chính bởi thế mà nhu cầu thị trường ở Trung Quốc vẫn rất lớn, mặc dù đã có lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp ."
Ngoài hàng lậu như túi xách, đồ trang sức, vây cá mập, điện thoại thông minh,.. - cảnh sát trong cuộc ra quân hồi tháng 5 còn tịch thu hơn nửa tấn động vật giáp xác trong các hộp xốp.
Ảnh: Twitter/NDR
CÂU TRẢ LỜI CỦA HỒNG KÔNG
Trong khi các nhà chức trách Hồng Kông không tiết lộ nguồn gốc của 569kg tôm hùm (trị giá khoảng 19.300 USD), thì những con vật với màu đỏ rực và những chiếc râu có gai nhọn chính là đặc trưng của loại tôm hùm đá Úc - một món ngon chủ yếu được dùng trong các bữa tiệc cưới của Trung Quốc trong những năm gần đây cho đến khoảng 8 tháng trước. Trung Quốc đã có lệnh cấm nhập khẩu một cách không chính thức mặt hàng này trong bối cảnh tranh chấp thương mại và chính trị với Úc ngày càng leo thang.
Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hiện tại, tình hình này gợi nhớ tới những thách thức mà các nhà chức trách phải đối mặt khoảng 1 thập kỷ trước, khi họ phải đấu tranh tương tự để hạn chế hoạt động buôn bán hoạt động buôn bán bất hợp pháp tôm hùm Úc tràn lan sang Trung Quốc Đại lục thông qua Hồng Kông.
Đại lục đã không phản hồi yêu cầu bình luận về báo cáo này. Hải quan Hồng Kông trả lời bằng một tuyên bố ngắn gọn về việc buôn lậu là một hành vi phạm tội nghiêm trọng như thế nào và các nhà chức tránh cam kết chống mọi hình thức buôn lậu thông qua các cuộc tuần tra biên giới thường xuyên biên giới trên biển và đất liền.
"Các sĩ quan hải cảnh nghiêm khắc tiến hành các cuộc kiểm tra hành khách, hàng hóa, gói bưu phẩm và phương tiện vận chuyển tại nhiều điểm kiểm soát khác nhau để chống buôn hàng lậu, gồm cả hải sản nhập lậu," hải quan Hồng Kông cho biết.
Cuộc kiểm tra vào tháng 5 thậm chí còn lớn hơn cuộc kiểm tra ở Đại lục hôm 31/3. Cảnh sát thành phố Trung Sơn đã thu giữ 100 thùng chứa tôm hùm đỏ nặng 1.274kg, với giá trị ước tính là 46.500 USD. Tổng cộng 26 người buôn lậu đã bị bắt và 14 tàu cùng 1 xe tải bị thu giữ.
Cảnh sát cho biết băng nhóm này đã vận chuyển hải sản - bao gồm cả tôm hùm, nhiều loại thịt đông lạnh, thuốc lá và các hàng hóa khác giữa Hồng Kông và Đại lục kể từ tháng 12.
Một con tôm hùm Úc còn sống bị hải quan và cảnh sát Hồng Kông bắt giữ vào tháng 5. Nó được đặt trong một thùng xốp chứa đầy vụn gỗ và túi đá. Ảnh: Cảnh sát Hồng Kông
LOÀI GIÁP XÁC TÌM ĐƯỜNG VỀ ĐẠI LỤC
Xung đột thương mại và địa chính trị giữa Trung Quốc và Úc leo tháng vào tháng 4 năm 2020 sau khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19 trước khi đại dịch bùng phát. Những tháng tiếp theo đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã cảnh báo các thương nhân rằng họ phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoàn nhập khẩu lúa mạch, gỗ tròn, đồng, than, rượu, đường và tôm hùm từ Úc.
Bắc Kinh không đưa ra lệnh cấm chính thức nhưng những mặt hàng này tại Úc vắng bóng dần. SCMP nhận định, dường như chỉ sau 1 đêm, hoạt động buôn bán tôm hùm vô cùng nhộn nhịp và béo bở của Úc vào Trung Quốc đã biến mất.
Tôm hùm Úc là món được ưa chuộng ở Đại lục. Vào những mùa cao điểm như Tết Nguyên đán, giá tôm hùm Úc có thể lên tới 100USD/kg. Và khi giá tôm hùm Úc ở Trung Quốc tăng, giá tôm hùm Úc tại địa phương cũng tăng theo. Tuy nhiên, từ khi có những biện pháp hạn chế, người Úc đã chứng kiến mức giá tôm hùm tại địa phương chỉ còn 30-45USD/kg trong mùa cao điểm.
Dữ liệu thương mại cho thấy loài giáp xác đang tìm đường trở lại bàn ăn của Trung Quốc thông qua các kênh bất hợp pháp như đi qua Hồng Kông - khu vực hải quan riêng biệt không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Đại lục đối với hàng hóa của Úc.
Số liệu từ Cục Thống kê và Điều tra Dân số của Hồng Kông cho thấy xuất khẩu tôm hùm của Úc sang Hồng Kông đã tăng lên rất nhiều.
Vào tháng 4, Hồng Kông đã nhập khẩu 157.978kg tôm hùm đá Úc - gấp khoảng 50 lần lượng nhập khẩu vào tháng 10, ngay trước khi lệnh cấm có hiệu lực. SCMP ghi nhận ý kiến từ một thương nhân ở Hồng Kông cho biết: "Làm thế nào người dân Hồng Kông có thể tiêu thụ nhiều tôm hùm đến vậy? Tất nhiên là tôm phải tìm đường về Đại lục."
Các thương nhân nói với SCMP rằng, có 3 cách để buôn lậu hàng hóa từ Hồng Kông sang Trung Quốc Đại lục. Đầu tiên là vận chuyên hàng hóa bằng đường thủy. Cách thứ hai là trộn chúng với các hàng hóa hợp pháp trên xe tải. Cách cuối cùng là nhờ người khéo léo mang tới điểm giao của Hồng Kông với Đại lục.
Các thương nhân cũng nhấn mạnh, cho dù đi theo đường nào thì tốc độ cũng là điều rất quan trọng vì giá trị của một con tôm hùm sẽ giảm đi đáng kể nếu nó chết trên đường vận chuyển.