Rượu giả cuối năm: Lãi gấp 10 lần/chai
Ngày 19/1, Đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh rượu Grand Vin De Bordeaux, tại địa chỉ 125 phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận toàn bộ số rượu được trưng bày ở showroom 125 phố Thái Hà có nguồn gốc nước ngoài, đều dán tem nhãn ghi xuất xứ. Tuy nhiên, khi kiểm tra hai kho chứa rượu của cơ sở kinh doanh này, Đoàn liên ngành phát hiện rất nhiều kiện hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sản phẩm rượu cũng không có tem nhãn, thời gian sản xuất. Bên cạnh các loại rượu, cơ sở kinh doanh này còn nhập khẩu, thu mua cả các loại bánh kẹo, hạt ngũ cốc… Tuy nhiên, rất nhiều kiện hàng không rõ nguồn gốc.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26, (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Hà Nội đã triệt phá cơ sở sang chiết, giả mạo xuất xứ rượu nước ngoài tại phường Phúc La, quận Hà Đông do Tạ Tiền Mỹ làm chủ. Chủ cơ sở khai nhận, dùng rượu Black Lào để chiết sang các bình rượu hình linh vật khác nhau bởi đây đang là mặt hàng được nhiều người tìm mua trong dịp Tết.
Đại úy Hoàng Thị Việt Hà, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, các đối tượng mua rượu trôi nổi, thuê thổi bình thủy tinh hình các con linh vật để đựng rượu sau đó gắn tem, mác xuất xứ nước ngoài bán ra thị trường với giá hơn 1 triệu đồng/sản phẩm. “Để sản xuất ra 1 chai rượu giả, chủ cơ sở chỉ mất khoảng 100.000 đồng bao gồm chi phí vỏ chai, hộp đựng và rượu. Lợi nhuận quá lớn, khiến đối tượng này bất chấp tất cả để sản xuất rượu giả, bán ra thị trường”, đại úy Hà nói.
Đề xuất lập đội chuyên ngành xử lý hàng giả trên mạng
Hoạt động buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các tháng giáp Tết. Các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn, vì vậy đòi hỏi lực lượng chức năng tích cực vào cuộc ngăn chặn.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, mặc dù việc kiểm soát xử lý hàng giả trên thị trường truyền thống thời gian qua có những kết quả nhất định, nhưng các đối tượng rất tinh vi, liên tục thay đổi hành vi, thủ đoạn gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng. Cụ thể, trong thời gian gần đây xuất hiện thêm hình thức trang cá nhân như facebook hay zalo… bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà không đăng ký với cơ quan chức năng. Đặc biệt, có một thực trạng là hàng giả, hàng nhái được chính người tiêu dùng và DN có hàng hóa bị làm giả bỏ qua. Trong khi các chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận do việc gian lận thương mại mang lại.
"Riêng đối với mặt hàng rượu, chúng tôi yêu cầu nguồn gốc xuất xứ phải đảm bảo . Từ giờ đến Tết và sau Tết, Đội sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm từ nguồn tin dư luận, hoặc qua trinh sát".
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện việc kinh doanh theo hình thức online, qua các trang mạng xã hội, hình thức livestream… kết hợp với bán hàng tại cửa hàng rất phổ biến. Hiện đa số những bức xúc của người dân về hàng lậu, hàng giả tập trung vào các quảng cáo, bán hàng trên mạng. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả việc buôn bán kinh doanh qua mạng xã hội thì chưa có đơn vị nào của Cục QLTT Hà Nội trực tiếp làm. Chưa có đơn vị chuyên trách, có nghĩa là chưa có cá nhân nào chịu trách nhiệm. “Với việc mua sắm online nở rộ như hiện nay, cơ quan QLTT cần có một đơn vị chuyên trách về mảng kinh doanh trực tuyến. Như vậy mới có thể quản lý hiệu quả việc buôn bán hàng lậu, hàng giả trên mạng”, ông Nghĩa đề xuất.
Rượu là mặt hàng đang được bán cả kênh online và offline. Theo quy định, vi phạm về hàng giả phải có sự phối hợp với người bị làm giả để xử lý, về chất lượng phải có giám định mới kết luận. “Còn các trường hợp không hóa đơn chứng từ có thể bắt được ngay”, ông Nghĩa khẳng định.