Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - trong phiên 6/5 có lúc đạt 104,07, cao nhất kể từ tháng 12 năm 2002, trước khi lùi trở lại mức 103,45, giảm 0,10% so với phiên liền trước, sau 2 ngày biến động mạnh. Mặc dù giảm song đây vẫn là mức gần cao nhất trong vòng 20 năm.
Các nhà đầu tư đang đánh giá mức độ ‘diều hâu’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một số nhà phân tích cho rằng lạm phát của Mỹ có thể đã gần đạt đỉnh điểm.
Dữ liệu Chính phủ Mỹ vừa công bố cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 4 cao hơn dự kiến, thu nhập trung bình giờ của người lao động chỉ tăng 0,3% trong tháng 4, sau khi tăng 0,5% vào tháng 3. Điều đó đã làm giảm mức tăng lương trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5,5%, từ mức 5,6% của tháng 3/2022.
"Tin tốt là tiền lương không tăng nhanh như ban đầu và điều đó sẽ bắt đầu làm dịu lại những mối lo ngại về lạm phát. Thị trường sẽ phải công nhận rằng có thể lạm phát đang lên đến đỉnh điểm," Peter Cardillo, nhà kinh tế tưởng phụ trách mảng thị trường của Spartan Capital Securities ở New York, cho biết.
Trọng tâm chú ý tiếp theo của thị trường sẽ là dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ, công bố vào thứ 4 tuần tới. Con số đó dự kiến cho thấy áp lực giá cả trong tháng 4 tăng với tốc độ khoảng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn chút ít so với mức kỷ lục 8,5% của tháng 3.
Đồng bạc xanh đã tăng giá 9 tuần liên tiếp so với yen Nhật trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục, là 3,1%, sau khi Fed nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm và trở thành đơn vị đi tiên phong trong số các ngân hàng trung ương ‘diều hâu’ trên toàn cầu.
Juan Perez, giám đốc giao dịch của Money USA ở Washington, cho biết: "Có lẽ hôm nay là một ngày đồng USD ổn định và giảm biến động sau hai ngày ‘hỗn loạn’, khiến DXY kết thúc tuần ở mức gần quay trở lại mức đầu tuần". Theo ông: "Tiền lương vẫn không có gì xuất sắc trong khi lạm phát là trọng tâm chính quyết định tất cả các triển vọng."
Đồng euro tăng giá trong phiên cuối tuần bởi những bình luận tương đối ‘hiếu chiến’ từ các quan chức Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Giám đốc ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết ECB nên tăng lãi suất huy động trở lại ngay trong năm nay. Trong khi đó, nhà hoạch định chính sách của ECB, Joachim Nagel, cũng nói rằng thời hạn tăng lãi suất của ngân hàng trung ương để đối phó với lạm phát cao kỷ lục đang dần đóng lại, cho thấy ông ủng hộ một động thái tăng sớm hơn là tăng muộn.
Đồng euro kết thúc tuần này ở mức 1,0572 USD, tăng 0,34% so với phiên liền trước, sau khi có lúc giảm xuống 1,04830 đô la trước đó. Mặc dù hồi phục ở phiên này song EUR chỉ cao hơn chút ít so với mức thấp nhất trong vòng 5 năm, là 1,0470 USD đạt được vào ngày 28 tháng 4.
Đồng tiền chung đã suy yếu khi khu vực này phải vật lộn với sự tăng trưởng yếu dần và gián đoạn nguồn cung năng lượng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Dữ liệu chính thức hôm thứ Sáu (6/5) cho thấy sản xuất công nghiệp của Đức trong tháng 3 đã giảm nhiều hơn dự kiến do các hạn chế - gây ra bởi đại dịch và chiến tranh ở Ukraine - làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây khó khăn cho việc lấp đầy các đơn đặt hàng.
Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009 nhưng cảnh báo rằng nền kinh tế có nguy cơ suy thoái.
Theo đó, bảng Anh kết thúc phiên cuối tuần giảm 0,33% xuống 1,2313 đô la, sau khi có thời điểm trong phiên đạt 1,2276 USD.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Rúp Nga cũng quay đầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần, lùi khỏi mức cao nhất trong vòng 2 năm so với euro khi ‘bóng ma’ của các lệnh trừng phạt đeo bám các thị trường trước kỳ nghỉ lễ dài cuối tuần thứ hai liên tiếp.
Giám đốc điều hành Liên minh châu Âu hôm thứ Tư đã đề xuất gói trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga. Tuy nhiên, mối lo ngại của một số nước về tác động của việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga đã cản trở khối này đi đến thỏa thuận về gói trừng phạt mới này.
Theo đó, rúp Nga đã giảm 4,7% trong phiên 6/5, kết thúc tuần ở mức 73,45 RUB/EUR, giảm mạnh so với mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2020 là 69,1250 đạt được trong phiên trước đó.
So với USD, rúp cũng giảm 3,8% xuống 69,52 RUB/USD, không giảm quá xa so với mức cao nhất trong vòng hơn hai năm, là 65,3125 RUB, đạt được hôm thứ Năm (5/5).
Đồng rúp đã tăng giá trong vài tuần qua do các công ty xuất khẩu bắt buộc phải chuyển đổi ngoại tệ. Ngoài ra, nhu cầu đối với đô la và euro yếu trong bối cảnh nhập khẩu suy giảm và các hạn chế đối với các giao dịch xuyên biên giới cũng đẩy rúp tăng lên.
Song đến nay "Có vẻ như đồng rúp đã tìm thấy điểm cân bằng mới xung quanh mức 67, ít nhất là vào thời điểm hiện tại", các nhà phân tích của Sberbank CIB cho biết.
"Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đồng nội tệ có thể bắt đầu mạnh trở lại khi chúng tôi bước ra khỏi kỳ nghỉ tháng 5 vào tuần tới, với việc các nhà xuất khẩu dần bắt đầu tăng giá chào mua ngoại tệ mạnh", Sberbank CIB cho biết, và dự đoán rằng rúp có thể tăng lên 60 RUB/USD vào cuối năm nay.
Nhân dân tệ của Trung Quốc kết thúc phiên 6/5 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm do chính sách zero Covid gây phức tạp cho các nhà đầu tư.
Theo đó, nhân dân tệ giao ngay kết thúc phiên giao dịch trong nước ở mức 6,6845 CNY/USD, giảm 310 pips hay 0,46% so với phiên giao dịch trước đó. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ giao dịch ở mức 6,7155.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm mạnh có lúc xuống sát 35.000 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 24 tháng 2, trước khi hồi phục nhẹ về mức trên 36.000 USD vào lúc kết thúc ngày 6/5 theo giờ Việt Nam.
Giá Bitcoin trong 24 giờ qua.
Giá vàng hồi phục nhẹ sau khi USD yếu đi, nhưng triển vọng Fed tăng lãi suất tích cực tiếp tục cản trở giá tăng mạnh.
Vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 6/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,3% lên 1.883,11 USD/ounce, vàng giao tháng 6 tăng 0,5% lên 1.885,20 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng vẫn giảm khoảng 0,7%.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk