Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2022 ước khoảng 895.500 người, tăng 3,7% so với năm 2021. Trong cả giai đoạn 2016 - 2021, có hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, trong khi số người phát triển thêm chỉ 4,23 triệu người. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tình trạng giảm việc, ngừng việc và mất việc làm xảy ra vào những tháng cuối năm cũng là nguyên nhân làm tăng số người rút BHXH một lần. Do vậy, cần phải có giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Những ngày này, nhiều người lao động xếp hàng trước trụ sở BHXH quận 12, BHXH huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh chờ làm thủ tục rút BHXH một lần. Hầu hết là lao động mất việc sau đợt dịch Covid -19 cuối năm 2021.
Đó là chia sẻ của nhiều người lao động khi cuộc sống khó khăn, cần có tiền để giải quyết những nhu cầu trước mắt. Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam; Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động. Từ đầu năm nay, khi kinh tế phục hồi, người lao động quay trở lại thị trường lao động chưa được bao lâu thì cuối năm, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với việc người lao động phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ luân phiên và không ít người lao động mất việc làm, lâm vào tình cảnh khó khăn và giải pháp duy nhất họ nghĩ đến là rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, do chính sách tạo điều kiện cho người lao động rút BHXH dễ dàng, không tư vấn cho họ lợi ích của việc ở lại hệ thống an sinh xã hội cũng là nguyên nhân khiến người lao động rời bỏ hệ thống BHXH.
"Chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ ngành liên quan để tìm các giải pháp nhưng giải pháp nào cũng phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động, phải giải quyết được hài hòa quyền lợi của người lao động trong trước mắt và lâu dài”, ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết.
Qua số liệu giải quyết hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016 - 2021, toàn quốc có trên 4 triệu người. Số liệu này chưa tính người lao động của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ trung bình tăng khoảng 11,6%. Số người hưởng bảo hiểm xã hội theo điều kiện ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm, chiếm 98,8% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số người hưởng theo điều kiện khác chiếm ít hơn.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lo ngại về làn sóng rút BHXH một lần khi hơn 42.000 lao động mất việc, dự báo sau Tết thêm 15.000 người. Với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, làn sóng này có thể gia tăng. Ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước.
“Chúng ta cần phải nghiên cứu, ban hành chính sách mới để hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động, cả 3 đối tượng, gồm đối tượng bị mất việc làm, đối tượng tạm hoãn hợp đồng và đối tượng giảm giờ làm. Chúng ta tham khảo những chính sách trước đây chúng ta đã ban hành, cả những thành công và cả chưa thành công. Chúng ta phải có những chính sách mới vào thời điểm rất nhạy cảm, đó là trước Tết nguyên đán. Tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lượng cơ bản để khi tình hình tốt lên, doanh nghiệp có đơn hàng thì có được ngay người lao động, tránh việc người lao động về quê và không trở lại", ông Ngọ Duy Hiểu nói thêm.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần phải tuyền truyền giải thích rõ với người lao động về những lợi ích khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH: “Có 3 việc phải nói cho người lao động hiểu rõ. Đó là đóng thì nhiều, lấy ra thì ít, một năm đóng 2,64 tháng, lấy ra chỉ được 2 tháng, mất 0,64 tháng. Thứ hai, tiền của người lao động, quỹ BHXH giữ vẫn đầu tư, tăng trưởng và tiền đó người lao động vẫn tiếp tục tăng lên, trừ đi phần chi phí quản lý thôi. Vấn đề thứ 3 là khi không may chốt sổ mà người lao động qua đời thì ngoài tiền tử tuất còn được trả lại toàn bộ tiền đóng. Do chúng ta không làm rõ nên người lao động sợ khi chốt sổ lỡ may qua đời sẽ không có gì. Tôi đề nghị ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phải vào cuộc với công đoàn và BHXH giải thích theo tinh thần đó, tình trạng rút BHXH một lần sẽ giảm đi”.
Còn ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ, Bảo hiểm xã hội các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tác động mạnh đến người lao động về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh truyền thông không nên nhận bảo hiểm xã hội một lần...: “BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện vận động, tuyên truyền ngay tại các bộ phận một cửa khi tiếp nhận hồ sơ. Theo thống kê của BHXH VN, trong 9 tháng, số người tiếp tục tham gia BHXH khi được vận động, thuyết phục là hơn 15.000 người, có nghĩa việc thuyết phục cũng rất hiệu quả. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan có liên quan để tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, vận động và sớm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, căn cơ, lâu dài”.
Mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cho vay ưu đãi khi người lao động gặp khó khăn… là những giải pháp căn cơ để giữ chân người lao động và khi cuộc sống được đảm bảo thì người lao động sẽ không có ý định rút BHXH một lần.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: “BHXH là một trong những biện pháp để đảm bảo an sinh xã hội. Thấy mục tiêu tốt thế rồi nhưng chưa có giải pháp thực sự hiệu quả. Mong muốn của chúng ta là tất cả người lao động có việc làm, có thu nhập thì người ta sẵn sàng đóng bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy mà chúng ta phải có một nguồn lực sẵn sàng để đảm bảo an sinh xã hội cho không những người lao động mà cho cả gia đình họ nữa. Đây là một trong những vấn đề lớn mà có lẽ Ban Kinh tế trung ương sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu một cách cụ thể trong quá trình sơ kết đánh giá Nghị quyết 27 và 28 và đang chuẩn bị xây dựng Luật BHXH sửa đổi và đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương về một số vấn đề chính sách xã hội phải chú trọng vấn đề này”.
Theo các chuyên gia lao động, trong bối cảnh hiện nay, rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời và cả những thay đổi căn cơ, lâu dài trong chính sách. Nhà nước cần có các giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó, khi sửa luật BHXH, cần tăng quyền lợi đối với người lao động, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu./.