Chấm dứt vai trò bộ chủ quản
Ngày 10/11, Bộ Công Thương tổ chức lễ bàn giao 5 tập đoàn và một tổng công ty (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA), về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (siêu ủy ban).
Theo Bộ Công Thương , đây đều là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp này là hơn 555 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là thay đổi lớn, qua đó khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay. “Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Hai ngày sau đó, ngày 12/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã ký biên bản chuyển giao đại diện vốn nhà nước tại 5 tổng công ty trực thuộc, gồm các tổng công ty: Hàng không (Vietnam Airlines), Cảng hàng không (ACV), Hàng hải (Vinalines), Đường cao tốc (VEC), Đường sắt Việt Nam (VNR), về siêu ủy ban. Tại buổi lễ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, 5 tổng công ty (TCT) của ngành giao thông bàn giao lần này có tổng tài sản hơn 275.000 tỷ đồng; vốn sở hữu nhà nước hơn 46.000 tỷ đồng. Việc chuyển giao để quản lý vốn nhà nước tập trung hơn, thay vì phân tán và phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Nhẹ gánh “con ông, cháu cha”?
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐTV một tập đoàn được chuyển giao về “siêu ủy ban” khẳng định, việc tách DN ra khỏi bộ chủ quản sẽ được nhiều mặt lợi, dù sẽ có phần thiệt thòi hơn.
Về mặt lợi, theo vị này, trước hết, DN sẽ bớt khổ hơn khi không phải “tháp tùng” 100% chuyến đi của lãnh đạo bộ như trước. DN cũng sẽ có nhiều lý do để từ chối chuyến đi hoặc cử đại diện đi thay nếu thấy thật sự không cần thiết cho hoạt động của đơn vị. Chưa kể với việc quản lý chuyên ngành, giờ DN cần kiến nghị gì thì báo cáo lên siêu ủy ban và ủy ban sẽ kiến nghị, làm việc với các bộ ngành và Chính phủ. Doanh nghiệp không phải trực tiếp đi “kêu khóc” như trước đây.
“Về mặt tự chủ, với các DN thuộc ngành Công Thương như chúng tôi, trách nhiệm giải trình sẽ tăng thêm, vì sẽ phải định kỳ báo cáo song song với cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và bộ chủ quản về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của đơn vị. DN sẽ không phải nghe những chỉ đạo hay bố trí nhân sự trực tiếp từ bộ như trước nữa, vì người đại diện vốn tại DN giờ thuộc thẩm quyền của siêu ủy ban”, vị này nói. Cũng theo vị lãnh đạo DN này, ở khía cạnh khác, DN sẽ không được lợi thế tự nhiên về chính sách, ưu đãi hay kiến nghị với Chính phủ và bộ, ban ngành như trước đây nữa.
Trao đổi với PV Tiền Phong gần đây về cổ phần hóa DNNN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cổ phần hóa mạnh và tách vai trò chủ sở hữu của bộ ngành sẽ giúp cho các DN tư nhân được hưởng lợi khi được cạnh tranh một cách công bằng hơn với DNNN. Cùng đó, việc tách vai trò xây dựng chính sách khỏi các bộ, ngành sẽ giúp DN không phải chịu cảnh gồng gánh “con ông cháu cha” trong bộ máy tổ chức. Chưa kể nhiều DN sẽ thoát khỏi cảnh chịu sự “chỉ định” triển khai các dự án đầu tư không hiệu quả. Những dự án đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng không hiệu quả thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất. Cũng theo ông Doanh, việc tách vai trò chủ sở hữu của bộ, ngành sẽ giúp hạn chế việc quản lý vốn nhà nước kém hiệu quả, gây ra rất nhiều thất thoát.
Theo báo cáo của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang nắm giữ số tài sản lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Theo ước tính của ngành tài chính, chỉ trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng.