Ngày (22/10), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 2, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Cho ý kiến về quỹ bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) nhấn mạnh yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, kèm theo đó là Luật Việc làm. Nếu sửa được sớm sẽ quản lý tốt hơn những người được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay chúng ta đang quy định 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí. Do vậy, Nghị quyết 28 đã nêu rõ hướng cần rút ngắn thời gian này lại. Lộ trình có thể rút xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu người lao động tham gia đóng BHXH mà chỉ chờ 10 năm hoặc 15 năm đã được rút hưởng thì người ta theo đuổi để người ta hưởng lương hưu về già. Đây là một nhu cầu chính đáng, thực tế khách quan của người lao động. Quy định rút ngắn thời gian và các điều kiện để được hưởng BHXH thì nhiều người lao động sẽ tham gia, ở lại trong hệ thống nhiều hơn.
“Cần thay đổi để người lao động tham gia, ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội được nhiều hơn, tránh phát triển mới được 10 phần nhưng số rút ra lại 7-8 phần. Như vậy số lượng người tham gia BHXH không đáng kể”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tại Tổ chiều nay
Về các bảo hiểm ngắn hạn, Chủ tịch Quốc hội cho biết số kết dư khá lớn. Vừa qua số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 2020 chuyển sang trên 90.000 tỉ nên Chính Phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bàn dành 1/3 số đó chi hỗ trợ cho người lao động trong dịp này với 6 mức.
Trong đó mức thấp nhất là 1,8 triệu, mức cao là hơn 3 triệu được chi cho khoảng 13 triệu lao động; ngoài ra cũng giảm đóng cho doanh nghiệp 8.000 tỉ. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực và trực tiếp cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại mức đóng, phạm vi chi trả đối với các quỹ ngắn hạn. Nếu kết dư nhiều thì có thể nhận thấy mức đóng còn cao, hoặc mức đóng phù hợp nhưng mức chi chưa tương xứng, đầy đủ. Mặc dù luật quy định các quỹ này có kết dư để phát triển dài hạn để đảm bảo tính an toàn.
Không lo “vỡ quỹ”
Cũng trong nội dung làm việc thảo luận tại Tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết những năm trước, khi nhắc đến BHXH, dư luận lo lắng vấn đề an toàn quỹ, nhiều người nói “vỡ quỹ”. Tuy nhiên, điều đáng mừng đến giờ này, kết dư tương đối tốt.
“Các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm hưu trí, tử tuất, thai sản… đảm bảo chi đúng mục tiêu, mục đích, cơ bản triển khai tốt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Uỷ ban Xã hội cho biết đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 953.078 tỷ đồng, trong đó: Quỹ Ốm đau, thai sản là 13.472 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 54.089 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 794.920 tỷ đồng và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 90.597 tỷ đồng.