Hồi tháng 11/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dự thảo về việc cho rút tiền mặt qua các máy cà thẻ (POS) đặt tại đơn vị chấp nhận thẻ với hạn mức tối đa là 5 triệu đồng/lượt. Theo cơ quan soạn thảo, hạn mức 5 triệu đồng là để hạn chế rủi ro và chỉ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết, còn việc thông đồng, tiếp tay cho các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch khống tại các đơn vị chấp nhận thẻ đều bị cấm.
Cấm là hợp lý
Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. Ở chiều đồng tình, luận điểm đầu tiên được đưa ra là các nước trên thế giới họ cũng cho rút tiền và Việt Nam làm như vậy là phù hợp thông lệ quốc tế. Luận điểm thứ hai là như vậy sẽ làm đa dạng hơn chức năng của thẻ, và các điểm chấp nhận thanh toán thẻ sẽ trở thành mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng bên cạnh ngân hàng, tiện lợi cho người dùng.
Nhưng ở ý kiến phản đối, các chuyên gia cho rằng, việc cho phép rút tiền qua POS sẽ tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn. Một vị lãnh đạo ngân hàng nói rằng, việc cho rút tiền qua POS sẽ gây khó cho ngân hàng vì không thể quản lý được khách hàng, bên cạnh đó là những rủi ro liên quan vận hành, như việc chi trả tiền mặt tại đơn vị chấp nhận thẻ, còn người tiêu dùng có thể bị trả tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông...TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thì quan ngại chủ thẻ có thể dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng rồi sao chép thông tin cá nhân, làm giả thẻ.
Trước khi có đề xuất này thì theo quy định của NHNN, cả chủ thẻ lẫn người quẹt thẻ đều không được phép rút tiền mặt trong thanh toán hàng hóa bằng thẻ tín dụng. Nắm bắt được việc có nhiều điểm chấp nhận thẻ vẫn lách luật khi cho khách hàng rút tiền mặt, NHNN đã nhiều lần ra văn bản nhằm chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống.
Tuy nhiên, sự chấn chỉnh ấy vẫn không có hiệu quả. Vì thế đến dự thảo hồi cuối năm ngoái NHNN đã đưa ra ý tưởng quản lý bằng cách cho rút nhưng hạn chế ở mức tối đa 5 triệu đồng. Song cuối cùng, mới tuần trước, khi thông tư chính thức được ban hành, cơ quan này lại rút đi đề xuất đó.
Bày tỏ quan điểm sau động thái của NHNN, TS. LS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc nhiều cửa hàng hoặc cá nhân đứng ra dưới tư cách pháp nhân nào đó cho rút tiền mặt với chi phí rất rẻ chỉ từ 1,5 – 2% trong khi cũng các thẻ ấy nếu rút ở ATM của các ngân hàng phải chịu phí từ 3,5 – 4% là điều phi lý hết sức. Thời gian qua dịch vụ này đã nở rộ nhưng cơ quan quản lý cũng không thể kiểm soát được. "Không có cách nào để khắc phục được tình hình. Vì không kiểm soát được nên cấm là giải pháp hữu hiệu nhất" – ông Tín nói đồng thời thêm rằng chừng nào NHNN, các NHTM, các cơ quan quản lý thị trường có thể thanh tra, kiểm tra được việc núp bóng rút tiền dưới dạng mua hàng hóa thì mới nên tính đến việc cho rút tiền qua POS.
Ví điện tử hi vọng rồi hụt hẫng?
Khảo sát của người viết cho thấy, kể từ khi NHNN có dự thảo cho phép rút tiền qua POS, thì các điểm chấp nhận thẻ và đặc biệt là các ví điện tử tỏ ra rất hào hứng với dịch vụ này cùng với kỳ vọng mảng ví điện tử của họ sẽ phát triển rầm rộ hơn. Thậm chí có ví điện tử còn muốn phát triển dịch vụ rút tiền tới từng chủ thuê bao điện thoại như dịch vụ uber, grab. Tức là một chủ tài khoản của ví đó nếu có nhu cầu rút tiền mặt thì có thể đặt qua App của ví, rồi quét xung quanh phạm vi của chủ tài khoản và người cung cấp dịch vụ ở gần nhất sẽ nhận chi trả thay cho Ví. Lúc này mỗi chủ tài khoản của ví, từ người bán trà đá, điểm nạp tiền điện thoại, thậm chí đến bác xe ôm cũng có thể trở thành đại lý của ví điện tử ấy.
Tuy nhiên "ước mộng" ấy đã không thành sau khi NHNN chính thức ban hành quy định mới không cho phép việc rút tiền mặt qua POS có nghĩa là mọi hành vi rút tiền qua các điểm cà thẻ là vi phạm.
Đặt vấn đề nêu trên với chuyên gia, TS. Bùi Quang Tín nói rằng các ví điện tử có ý định như vậy phải chuyển hướng kinh doanh vì cho phép rút tiền mặt kiểu đó trong bối cảnh chưa kiểm soát được là điều hết sức vô lý. Và theo ông, nếu các ví vẫn muốn phát triển thì nên đề xuất với cơ quan quản lý một đặc thù riêng áp dụng với riêng các ví mà thôi.
Còn một chuyên gia khác xin được giấu tên thì nói rằng, việc đề xuất ấy là cung thêm tiền mặt ra hệ thống, đi ngược với xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt mà nền kinh tế đang hướng tới.