Đến Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội tìm việc sau một thời gian nghỉ ở nhà, chị Trần Thị Hạnh (huyện Đông Anh, Hà Nội, 36 tuổi) cho biết, trước đây chị đã từng làm việc tại một công ty trong KCN Bắc Thăng Long, sau đó bị luân chuyển vị trí việc làm và cảm thấy không đáp ứng được công việc nên đã xin nghỉ việc.
Theo chị Hạnh, dù không trực tiếp sa thải, song khi đến một độ tuổi nhất định, các công ty thường áp dụng cách luân chuyển sang những vị trí việc làm không phù hợp, tạo áp lực cho người lao động, từ đó chủ động xin nghỉ việc.
Nhiều lao động ở độ tuổi 35-40 bị sa thải hoặc buộc cho thôi việc. (Ảnh minh họa)
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, độ tuổi lĩnh bảo hiểm thất nghiệp từ 25-40 tuổi tại trung tâm trong năm qua chiếm hơn 80%.
Số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ ra rằng trong tháng 5/2018, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã giải quyết cho 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần. Lũy kế 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có 296.916 người hưởng trợ cấp 1 lần.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, việc lao động nghỉ việc, nhận BHXH 1 lần là thực trạng đáng báo động, rất đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Cũng theo ông Quảng, nguyên nhân khiến lao động nhận BHXH thất nghiệp gia tăng do bị mất việc, trong đó có nhiều người phải nghỉ việc ở độ tuổi 35-40 tuổi.
Ông Quảng quan ngại trước tình trạng người lao động trong độ tuổi từ 35-40 tuổi bị sa thải, hoặc bất đắc dĩ “phải chọn” nghỉ việc ở độ tuổi 35-40 vì không thể đảm đương tiếp được công việc trong điều kiện sức khỏe không thể đáp ứng: “Đây là vấn đề rất nóng xảy ra thời gian gần đây mà người lao động và các nhà hoạch định chính sách, cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn đều rất quan tâm”.
“Đã có nhiều tranh cãi liệu tình trạng đó có thật không? Tôi xin khẳng định đây là xu hướng có thật”, ông Lê Đình Quảng khẳng định.
“Bằng chứng là qua phản ánh của các cấp công đoàn, qua số liệu nghiên cứu và khảo sát cụ thể của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và qua nắm bắt số liệu từ các Trung tâm Dịch vụ Việc làm, nơi giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động cho thấy điều đó là hoàn toàn có thực.
Cụ thể, tại Hà Nội, ghi nhận từ 10.000 hồ sơ thôi việc có trên 90% là lao động ở tuổi trên 35 tuổi. Điều đó cho thấy đây là hiện tượng có thực trong quan hệ lao động hiện nay”, ông Quảng nhấn mạnh.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Đa phần các tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn rất quan tâm đến đời sống phúc lợi của người lao động. Bộ trưởng Dung cho rằng không hề có chuyện các doanh nghiệp FDI sa thải lao động ở độ tuổi 35 với số lượng lớn đến 80% như một số nghiên cứu đưa ra.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, một phần do điều kiện lao động ở những doanh nghiệp đó chưa tốt. Thực tế đáng buồn này đang diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản…
“Gần đây nhất, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi khảo sát tại 1 doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Hậu Giang, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, trong 4 năm, trong số khoảng 15.000 lao động của doanh nghiệp, duy nhất chỉ có 1-2 người về hưu đúng độ tuổi, còn phần lớn lao động đến độ tuổi 35-40 không thể làm thêm được nữa vì sức khỏe không đảm đương được công việc. Do đó, họ tự xin thôi việc.
Rời doanh nghiệp ở tuổi này, những người lao động đó đương nhiên rất khó có thể xin việc nơi khác ở khu vực có quan hệ lao động để tiếp tục tham gia BHXH vì tuổi đã cao. Và tất yếu, số lao động này chọn hưởng BHXH 1 lần, làm gia tăng số lao động nhận trợ cấp 1 lần trên thị trường lao động”, ông Quảng chỉ rõ.
Đặc biệt, ông Lê Đình Quảng cho hay, qua tìm hiểu, có hiện tượng một số doanh nghiệp tìm mọi cách để vận động người lao động thôi việc vì lao động càng thâm niên thì doanh nghiệp càng phải trả lương cao, kéo theo tiền đóng BHXH cũng cao hơn, trong khi việc huy động số lao động ở độ tuổi này tăng ca, tăng kíp lại rất khó.
Trước đó, một nghiên cứu của Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng đã chỉ ra rằng, ở một số nơi, có tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Sa thải lao động là hiện thực tất yếu?
Theo ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thực tế hiện tượng này đang diễn ra tại một số doanh nghiệp. Con số thực không hẳn là 35 tuổi mà còn có thể trẻ hơn nữa nếu như doanh nghiệp làm ăn khó khăn.
Ông Huân cho rằng, không thể nói đây là hành động “vắt chanh bỏ vỏ’ của doanh nghiệp mà cần nhìn nhận như một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Khi độ nhạy bén, khả năng bắt kịp khoa học công nghệ của người lao động giảm sút quá nhiều theo tuổi tác, buộc các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách sa thải để tuyển những lao động mới.
Đào tạo nghề cần linh hoạt
Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân nhìn nhận, nền kinh tế thị trường tạo ra nhiều cơ hội, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro khó tránh. Việc sa thải lao động ngoài 35 tuổi để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là một minh chứng.
Do đó, ông Huân cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người lao động cần có những chuẩn bị cần thiết trước “cú sốc” này. Việc lao động trên 35 tuổi bị sa thải, sẽ tác động không nhỏ đến xã hội. Khi phần lớn họ đều là những lao động phổ thông, không qua đào tạo, nên sẽ rất khó tìm những công việc khác sau khi chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp.
Hơn nữa, tại nhiều địa phương hiện nay, người dân đa phần bỏ ruộng, chuyển đổi dần sang lao động trong khu vực công nghiệp, nếu mất việc, khi không còn ruộng đất cũng sẽ đặt ra bài toán khó cho các địa phương. Vấn đề cần tháo gỡ hiện nay là làm sao để ngăn chặn tình trạng sa thải lao động cũng như tạo ra việc làm cho lao động khi thất nghiệp.
Một trong các giải pháp hàng đầu được chuyên gia này nhấn mạnh là nhanh chóng nghiên cứu các chính sách dạy nghề mới, đào tạo lại cho những đối tượng lao động có nguy cơ mất việc ở tuổi 35. Đặc biệt, hệ thống đào tạo nghề cũng cần có những thay đổi linh hoạt để thích ứng và đáp ứng được thay đổi của xã hội, đào tạo nhân lực chuyên sâu 1 ngành nghề, hiểu biết đa ngành.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động dài hạn. Về phía mình, người lao động nên có sự thay đổi tâm lý, chuẩn bị sẵn sàng những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để có thể tự xoay chuyển khi doanh nghiệp có những biến đổi./.