Đó là ví dụ mà ông Nguyễn Đình Thành - nhà đồng sáng lập Elite PR School chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến do Acheckin tổ chức mới đây về cách mà doanh chủ nói chuyện với nhân sự khi bắt buộc phải cắt giảm lương của nhân viên vì Covid-19.
ông Nguyễn Đình Thành
Cách nói chuyện về cắt giảm rất quan trọng
Ông Đình Thành cho rằng tùy tình hình từng doanh nghiệp mà có cách ứng xử khác nhau trong dịch Covid-19. Có doanh nghiệp có quỹ dự phòng, họ có thể sống trong 1, 2 năm kể cả khi không có doanh thu. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp chỉ 1 tháng không có nguồn thu thì có thể khó sống. Do đó, không doanh nghiệp nào giống nhau.
Ông Thành đưa ra quan điểm rằng khi phải cắt giảm nhân sự thì doanh chủ nên cắt từ ngoài vào trong, ưu tiên nhân viên lõi. Với bộ phận ít đóng góp nhất, dù đau đớn nhưng doanh chủ vẫn phải báo tin xấu cho họ khi hoàn cảnh bắt buộc.
"Một số công ty chấm điểm dự án liên tục. Ví dụ, có 30% ở top cuối, 3 tháng đến 6 tháng không đạt chỉ tiêu thì phải tạm nghỉ hoặc làm việc luân phiên vì Covid-19", ông Đình Thành nói về cách giảm lương, giảm giờ làm của một doanh nghiệp.
Đồng sáng lập Elite PR School nhấn mạnh đến cách nói chuyện của chủ doanh nghiệp. Theo ông, cách nói chuyện với nhân sự về việc tối ưu chi phí, cắt giảm giờ làm hay sa thải họ rất quan trọng. Nói sao để người nghe không có cảm giác là công ty lúc phát triển thì cần người, khi khó khăn thì "phủi tay", để tránh gây ảnh hưởng thương hiệu và danh tiếng của công ty.
Một diễn giả khác, ông Phan Sơn - chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy, chung quan điểm về cách nói chuyện của lãnh đạo công ty với nhân sự khi phải cắt giảm lương hay buộc phải cho họ nghỉ việc. Với cách nói kết hợp cả lý trí và tình cảm, nhân viên sẽ sẵn sàng chia sẻ, đồng cảm với công ty. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, lương thương - nhân sự không phải là ưu tiên cắt giảm của nhiều doanh nghiệp.
Giảm chi phí cho các hoạt động chưa cần thiết, phụ cấp trước
Ông Phan Sơn nhận định rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp. Trong bài toán để vượt qua Covid-19, doanh nghiệp phải tối ưu chi phí.
Ông Phan Sơn chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy
"Lương thưởng, nhân sự không phải là ưu tiên cắt giảm mà là cắt giảm các hoạt động chưa cần triển khai, phụ cấp đi lại - cước điện thoại trước. Trong tình huống bắt buộc, doanh nghiệp mới nên tính đến việc tối ưu chi phí nhân sự", ông Phan Sơn bày tỏ quan điểm.
Các giải pháp như làm việc luân phiên vì khối lượng công việc giảm cũng cần được xem xét trước khi giảm lương. Và khi giảm thì thực hiện từ cấp cao trước.
Theo chuyên gia đến từ HRD Academy, quan trọng nữa là cách nói như thế nào. Nhiều doanh chủ sợ rằng, khi mình thông báo tin cắt giảm lương sẽ khiến nhân sự chán nản song thỉnh thoảng tình hình diễn ra ngược lại. Người Việt thường rất đoàn kết trong lúc gặp khó khăn. Nên nếu tập thể truyền thông nội bộ tốt, công ty có văn hóa tốt, có khi việc cắt giảm này khiến nhân sự trong công ty gắn bó và đoàn kết hơn vì nhân viên hiểu được con thuyền đang gặp sóng, cần được góp sức vượt qua.