Trong ngày đầu tiên được hoạt động trở lại (10/1), lượng khách đến các hệ thống karaoke lớn tại TP.HCM khá nhộn nhịp.
Chị Đinh Hoàng Thùy Dương - đại diện karaoke Icool cho biết, đến tối 10/1, 18 chi nhánh của hệ thống này nhiều chỗ đã kín phòng hát. Lượng khách tăng cao hơn hẳn so với thời điểm buổi sáng.
Về phía hệ thống karaoke Nnice - anh Lê Hoàng Việt thông tin, khách hát và đặt trước phòng ở mức tương đối. Dù chưa đạt được như kỳ vọng của đơn vị nhưng đây là tín hiệu tốt cho hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn TP. Cần Giờ. Qua thời điểm cuối tuần sẽ nắm rõ hơn nhu cầu và tâm lý thực sự của khách đi hát lại sau đại dịch.
Khách đến hát tại một điểm karaoke trong tối 10/1 |
Thực hiện khai báo y tế trước khi vào hát |
Trái ngược với những tín hiệu tích cực của karaoke, trong ngày đầu được phép hoạt động, các quán bar trên phố Bùi Viện đìu hiu. Thậm chí, nhiều địa điểm kinh doanh bar vẫn đóng cửa im lìm và dường như chưa có ý định mở lại.
21h tối, quán bar Knock Knock chỉ có một bàn với 3 vị khách. Lý do vắng khách có thể một phần vì bar mở vào ngày đầu tuần. Lèo tèo khách như vậy nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, quản lý bar, vẫn cảm thấy may khi được nghe âm thanh xập xình quen thuộc của “phố quẩy” trở lại, có người ra người vào thay vì cảnh im lìm mấy tháng qua.
Tương tự, tình trạng vắng khách tương tự cũng diễn ra ở những quán bar gần đó. Chị Bùi Ngọc Bình, quản lý bar Miss Sài Gòn, cho hay, thường phố Bùi Viện đón khách nước ngoài nhiều hơn, cũng có người nước ngoài bị kẹt lại TP trở thành khách quen hay ghé ủng hộ. Mở lại bar là động lực cho nhân viên vui, có việc làm, không bị thất nghiệp chứ kinh doanh trở lại khó khăn vì vắng khách.
Buổi sáng, bar này bán cơm, sinh tố để duy trì công việc cho nhân viên. Đại diện bar mong muốn mở lại đường bay đón khách du lịch quốc tế đến nhiều hơn bởi đa số người đến bar là khách nước ngoài chiếm 70%, chỉ 30% là khách Việt.
Nhiều quán bar vẫn đóng cửa tối 10/1 dù đã được phép hoạt động (ảnh: Trần Chung) |
Một quán bar tại Bùi Viện chỉ có 2 bàn khách (ảnh: Trần Chung) |
Nhân viên các quán bar mời chào khách nhưng chẳng ai mặn mà (ảnh: Trần Chung) |
Cho mở rồi xin đừng đóng lại
Dịch vụ kinh doanh karaoke, bar khi mở lại còn vướng hai nỗi lo. Một, thiếu nhân sự do nhiều người về quê không lên làm trở lại vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Hai, quyết định "đóng - mở" của cơ quan chức năng.
“Chúng tôi chỉ đảm bảo được 60% nhân sự. Nhiều bạn đã không thể chờ được ngày đi làm trở lại nên đã bỏ nghề, tìm công việc mới mưu sinh”, anh Việt nói.
Ngoài ra, các đơn vị bày tỏ mong muốn chính quyền TP.HCM “mở rồi xin đừng đóng lại” vì như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các DN cũng như tâm lý người dân. Ví dụ, riêng trong ngày 17/11/2021, hệ thống Icool đã mất trắng 1,5 tỷ đồng tiền nhập hàng hóa phục vụ khách hát sau khi TP.HCM cho phép mở rồi lại đóng dịch vụ karaoke chỉ trong 2 ngày.
Do đó, cần nhất quán khi đã xác định cho các dịch vụ được hoạt động trở lại. Đặc biệt, tín hiệu vui khi TP.HCM đã là vùng xanh sẽ khiến tâm lý người dân tham gia các hoạt động bên ngoài thoải mái hơn.
“Đừng mở rồi lại đóng. Các đơn vị kinh doanh rất cần ổn định trong lúc này. Chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua để được thấy lại hình ảnh phố Bùi Viện ngày xưa”, quản lý bar Knock Knock chia sẻ.
Trước đó, ngày 4/1, Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, CLB khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1.
TP.HCM hiện có khoảng 500 quán karaoke, bar, vũ trường, đã phải dừng gần 8 tháng để phòng dịch. Theo Sở VH-TT, việc mở cửa các cơ sở này nhằm tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu giải trí cho người dân; thúc đẩy hoạt động phục vụ khách du lịch, từng bước khôi phục kinh tế.
Việc mở cửa dịch vụ karaoke, quán bar đáp ứng nhu cầu giải trí cho người dân (ảnh: Trần Chung) |
Trần Chung