Thay vì mua một chiếc máy lạnh mới tầm trung (4-7 triệu đồng) tại các trung tâm điện máy, nhiều người sẵn sàng lựa chọn những chiếc máy lạnh đã qua sử dụng nhập lậu từ Nhật Bản với giá tương đương.
Nhộn nhịp máy lạnh nội địa Nhật
Nam Bộ đang trong giai đoạn nắng nóng nhất trong năm, cũng là thời điểm các cửa hàng kinh doanh máy lạnh đã qua sử dụng “ăn nên làm ra”, nhờ luôn có một lượng lớn khách hàng chịu bỏ ra từ 4-7 triệu đồng để mua máy lạnh nội địa Nhật, bất chấp lệnh cấm kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng ở nước ngoài (hàng nhập lậu) trên lãnh thổ Việt Nam.
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM triệt phá các điểm kinh doanh điện lạnh nhập lậu |
Tại một điểm bán máy lạnh Nhật đã qua sử dụng trên đường số 9, Q.6, TP.HCM, đủ loại máy lạnh nội địa Nhật Bản đang được rao bán, hầu hết được “nổ” còn mới đến 95%. Tùy theo số ngựa, thương hiệu (Toshiba, Mitsubishi hay Daikin), mà các loại máy lạnh này có mức giá khác nhau, dao động từ 5,8-11 triệu đồng/sản phẩm. Theo nhân viên tư vấn tại đây, trời nắng nóng nên nhu cầu mua máy lạnh nội địa Nhật rất cao, lô hàng nào nhập về là hết lô đó, lượng khách hàng gọi về hỏi sản phẩm cũng tăng đột biến.
“Chị cứ vào website bên em tham khảo, máy lạnh nội địa Nhật Toshiba Inverter 1HP hiện đã thu hút 12.397 lượt xem, hay máy lạnh nội địa Nhật Mitsubishi Inverter 1,5HP thu hút 9.343 lượt xem. Chị muốn mua máy phải thường xuyên truy cập vào website để săn hàng” - một nhân viên tại đây nói.
Dọc các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như Lê Trọng Tấn, khu công nghiệp Tân Bình, Phan Huy Ích (Q.Tân Bình), Tây Thạnh và Vườn Lài (Q.Tân Phú)… rất nhiều cửa hàng bán máy lạnh nội địa Nhật nhập lậu công khai.
Theo quan sát của chúng tôi, để qua mắt cơ quan chức năng, các cửa hàng này thường bài trí nhiều sản phẩm cũ trong nước, còn hàng nhập lậu thì chứa tại một kho khác, khách có nhu cầu mới được nhân viên mang đến cho xem. Thậm chí, tại cửa hàng điện máy N.T. (đường Tây Thạnh), chúng tôi hỏi mua máy lạnh Toshiba nội địa Nhật, nhưng nhân viên cho chúng tôi xem sản phẩm máy lạnh Toshiba thông thường với thông tin bên ngoài sản phẩm được ghi bằng tiếng Việt - thay vì tiếng Nhật.
“Vỏ bên ngoài là hàng Việt, nhưng bên trong đều là hàng Nhật 100%, tráo vỏ để dễ bán. Cửa hàng kinh doanh hơn chục năm, khách đều là mối quen giới thiệu nhau đến mua, không có chuyện làm ăn gian dối” - nhân viên cửa hàng này khẳng định với chúng tôi.
Nhìn vào số lượng các lô hàng máy lạnh đã qua sử dụng thời gian qua bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ, có thể thấy nhu cầu đối với mặt hàng này lớn đến dường nào. Theo Cục quản lý thị trường TP.HCM, bước vào cao điểm nắng nóng, các đường dây buôn lậu mặt hàng điện tử điện lạnh hoạt động mạnh với nhiều mưu mô thủ đoạn, số lượng các vụ được triệt phá ngày càng nhiều.
Vừa qua, đầu tháng Năm, đơn vị này bất ngờ kiểm tra kho hàng trên đường 19/5, Q.Tân Phú, TP.HCM, phát hiện trong kho đang trữ gần 600 sản phẩm nhập lậu từ Campuchia, gồm máy lạnh đã qua sử dụng, bếp gas, bếp điện, máy lọc không khí, dàn loa amply… Trong đó, phần lớn là mặt hàng máy lạnh đã qua sử dụng có nguồn gốc từ Nhật Bản, và kho bãi này là một trong những điểm nóng phức tạp về trung chuyển hàng lậu từ biên giới Tây Nam vào thị trường nội địa.
Mới đây nhất, ngày 18/5, Cục Hải quan tỉnh An Giang bắt giữ một ghe chở hàng điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu từ Campuchia, gồm 122 cục lạnh, 215 cục nóng máy lạnh có xuất xứ từ Nhật với tổng giá trị 700 triệu đồng. Trước đó, ngày 17/5, Công an tỉnh An Giang cũng phát hiện và bắt giữ một ghe với nhiều mặt hàng điện tử xuất xứ từ Nhật đã qua sử dụng được nhập lậu như tủ lạnh, cục lạnh, cục nóng, quạt máy, nồi cơm điện, laptop… với tổng trị giá 1 tỷ đồng.
Các loại máy lạnh hết date ở Nhật được chuyển lậu về Việt Nam theo đủ mọi đường. Ảnh: QLTT An Giang |
Có thể thấy, mặc dù số vụ nhập lậu được triệt phá không ít, nhưng thị trường hàng điện lạnh nhập lậu vẫn nhộn nhịp, các cửa hàng vẫn rao bán công khai. Chỉ cần gõ từ khóa “máy lạnh nội địa Nhật” sẽ hiện ra hơn 52 triệu kết quả là các website đang rao bán sản phẩm này.
Hàng bãi hao điện, ô nhiễm môi trường
Sở dĩ hàng nội địa nước ngoài nhập lậu, nhất là sản phẩm từ Nhật được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì giá rẻ, lại bền, khí gas thải ra được cho là loại bảo vệ môi trường (gas R410).
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về cơ khí, nhiệt lạnh trường đại học Công nghệ thực phẩm, quan niệm trên là hoàn toàn sai lầm. Điện năng thải khí carbon ra môi trường, để giảm tác động tiêu cực của máy lạnh, nước Nhật sản xuất ra dòng máy tiêu thụ ít điện năng, chỉ sử dụng dòng điện áp 110V. Trong khi đó, tại Việt Nam lại sử dụng mức điện áp 220V. Để sử dụng được máy lạnh nội địa Nhật, cần phải có một bộ chuyển điện áp từ 110V qua 220V, sẽ gây hao điện và thải nhiều khí carbon ra môi trường giống các dòng máy lạnh khác.
Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn có sở thích săn đồ điện tử, đồ gia dụng... second-hand từ Nhật (Ảnh minh họa) |
Máy lạnh nội địa nước ngoài chỉ làm sạch không khí với điều kiện đó là máy mới, có bộ lọc mới được thiết kế riêng cho dòng máy đó. Máy lạnh cũ nhập về Việt Nam thường là hàng thải tại nước ngoài, quá hạn sử dụng, thì bộ lọc không thể hoạt động tốt chức năng của nó. Chức năng của bộ lọc là ngăn ngừa bụi bẩn nên rất ẩm. Nếu bộ lọc đã hết hạn sử dụng sẽ là ổ phát tán nấm mốc ra không khí, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Hoặc nếu các cửa hàng có thay bộ lọc mới, thì đều là loại rẻ tiền, chức năng lọc không khí không thể tốt giống hàng chính hãng.
“Máy nội địa nước ngoài một khi hư rất kén linh kiện để thay. Ví dụ nếu hư bộ nén thì coi như quăng luôn cái máy lạnh, hoặc phải sử dụng bộ nén từ một sản phẩm nội địa cũ khác. Trong khi đó, chế độ bảo hành từ các địa chỉ bán hàng nhập lậu không thể giống máy mới chính hãng được” - vị chuyên gia này nói.
Theo giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, việc sử dụng máy lạnh nội địa nhập lậu không chỉ tiếp tay cho buôn lậu có đất sống, mà còn trực tiếp gây hại môi trường. Tại Nhật, họ chỉ sử dụng sản phẩm từ 3-5 năm hoặc cao lắm là 7 năm, vì đồ điện tử sử dụng càng lâu càng gây hao điện - nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Một khi hàng điện tử tại Nhật đã bị loại bỏ, đồng nghĩa với việc sản phẩm này đang ít nhiều gây hại cho sức khỏe người sử dụng lẫn môi trường.
“Một sản phẩm cũ của Nhật hiện cũng bằng giá một sản phẩm mới chính hãng tại Việt Nam. Trong khi đó, các công nghệ trên sản phẩm mới cũng ngày càng đổi mới theo hướng tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Tại sao không bỏ cùng số tiền đó để mua sản phẩm mới, vừa hỗ trợ doanh nghiệp có đầu ra, vừa bảo vệ môi trường?” - giáo sư Lê Huy Bá nói.
Theo một số chủ doanh nghiệp, nhiều người nghĩ rằng mua hàng nội địa cũ của Nhật là rẻ. Nhưng thực tế, người tiêu dùng đang bỏ số tiền lớn hơn nhiều so với giá trị thật của sản phẩm. Anh Hùng - một chủ doanh nghiệp từng kinh doanh dòng máy lạnh nội địa Nhật cho biết thêm, sở dĩ các cửa hàng chuộng kinh doanh dòng sản phẩm nhập lậu này vì tiền lời rất cao. Nếu một máy lạnh mới chính hãng, bán ra chỉ lời khoảng vài trăm ngàn đồng/sản phẩm, thì dòng máy lạnh cũ này bán ra lời gấp đôi, gấp ba.
“Họ cam kết máy mới chưa bị tháo, chưa từng sửa chữa là lừa dối khách hàng. Tất cả sản phẩm nhập về đều được tân trang lại trước khi bán ra thị trường, nên không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm” - anh Hùng khẳng định.
(Theo Báo Phụ nữ)