Vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp - CTCP ( VEAM ).
Sau khi có kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã tiếp tục chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế sang Bộ Công An.
Cụ thể: Việc sử dụng nguồn vốn 112,6 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu, Hà Nội tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo trong Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo.
Bộ Công Thương cũng đã chuyển vụ việc hệ thống khuôn dập cabin thiệt hại khoảng 26,9 tỉ đồng sang Bộ Công An.
Việc bảo lãnh vay số tiền 75,8 tỉ đồng tại Công ty Cổ phần Vận tải và Thương Mại VEAM Dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại Tổng công ty và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước.
Trước đó, Bộ Công Thương đã chuyển các vụ việc sang bộ Công An theo công văn số 1042/BCT-TTB ngày 10.12.2018.
Cụ thể, việc mua linh kiện phụ tùng ôtô, kinh doanh nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ô tô Changan (Trung Quốc); việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai của Tập đoàn Thành Công để sản xuất, lắp ráp năm 2017.
Theo đó, ông Trần Ngọc Hà với vai trò là Tổng Giám đốc của VEAM được cho là đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ giá do Sacombank phát hành để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto với số tiền 136,72 tỉ đồng khi chưa được sự phê chuẩn của Hội đồng quản trị VEAM.
Với cương vị Tổng giám đốc VEAM, ông Hà cũng là người đã đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM mua 3000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3000 xe ô tô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, không có phương án kinh doanh số ô tô này.
Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5588 xe), gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho giao.
Bộ Công Thương cũng đã tiến hành chuyển sang Bộ Công An việc chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ôtô VEAM; Công tác quản lý vốn và công nợ.
Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh về "lùm xùm" liên quan đến vị trí Tổng giám đốc VEAM. VEAM cũng đã có báo cáo gửi bộ Công Thương về việc bãi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà.
Theo VEAM, trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM với vai trò là Tổng Giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã vi phạm một số quy định về quản lý tài chính và điều lệ của VEAM.
Việc bãi nhiệm ông Hà đã được hội đồng quản trị của VEAM họp đánh giá, xem xét và bỏ phiếu. Kết quả có 4/6 thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết đồng ý bãi nhiệm và 2/6 thành viên không đồng ý bãi nhiệm.