Nội dung được đề cập trong báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) gửi UBND TP.HCM về sự cố gối cầu trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Có 6 vị trí gối cầu bị xê dịch trên đoạn đường sắt trên cao thuộc gói thầu CP2 từ Ba Son đến Suối Tiên do liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) làm tổng thầu gồm: sự cố gối cao su rơi khỏi đá kê gối tại trụ P12-34 phát hiện ngày 30/10/2020 và 5 gối cầu khác. Sự cố này đã xảy ra khoảng 1 năm nhưng vẫn chưa có kết luận nguyên nhân cuối cùng.
Nguyên nhân của sự này được rà soát theo các phương diện. Trong đó, về kỹ thuật, liên danh SCC cho rằng giá trị xê dịch phụ thuộc vào khoảng cách của mối nối đường ray tạm thời (thuộc gói thầu CP3) với khe co giãn của cầu cạn (thuộc gói thầu CP2). Tình trạng kẹp mối nối ray cộng với việc các thanh ray co giãn vì nhiệt khiến tổng co giãn vì nhiệt của dầm U vượt giới hạn thiết kế.
Nhà thầu Hitachi (gói thầu CP3) lại đưa ra nhận định ray dịch chuyển độc lập với cấu trúc cầu cạn. Còn tư vấn độc lập bên thứ 3 chưa có đánh giá cuối cùng vì đang đợi các kết quả thí nghiệm khác.
Về thiết kế, cả liên danh SCC, nhà thầu Hitachi đều thống nhất thiết kế kỹ thuật đáp ứng theo các yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế.
Về vật liệu, các chứng chỉ vật liệu và hồ sơ gốc của gối cao su loại Mageba và Kawakin được trình lên đều không chỉ ra bất kỳ yếu tố nào không phù hợp. Tuy nhiên, tư vấn độc lập bên thứ 3 cho rằng chưa có kết quả thí nghiệm hóa học để xác định hóa chất chống oxy hóa của gối bị trượt có ảnh hưởng tới ma sát của gối hay không, do đó chưa thể đánh giá kết quả.
Về thi công, biện pháp thi công sử dụng các loại dầm đúc sẵn dễ xảy ra các sai số trong thi công dẫn tới gối không được tiếp xúc hoàn toàn với đáy dầm cũng như đá kê gối, rủi ro góc hở giữa các bề mặt tiếp xúc cao. Trong số liệu quan trắc cũng ghi nhận một số gối có khe hở giữa gối và bề mặt tiếp xúc. Kết quả quan trắc nhận thấy một số gối bị trượt sau khi biến dạng nhỏ hơn nhiều so với khả năng chịu biến dạng của gối .
Còn về phương diện tác động của đường ray làm ảnh hưởng đến chuyển dịch gối cầu, cần phải tiến hành thêm một số quan trắc, thí nghiệm và đánh giá độc lập của các bên để có thể kết luận mối liên quan.
Dựa trên kết quả quan trắc định kỳ, báo cáo từ nhà thầu thuộc dự án và tư vấn độc lập tham gia điều tra sự cố, MAUR đưa ra kết luận sơ bộ sự cố xoay quanh các nguyên nhân gồm giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa các cấu kiện (dầm, ray); sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo mặt tiếp xúc (giữa gối cầu và bệ trụ); chất lượng gối cầu. Do đó, cần phải tiến hành thêm công tác quan trắc, thí nghiệm chất lượng gối để đưa ra kết luận cuối cùng.
Dự kiến, ngày 15/12, sau khi có kết quả cuối cùng về các công tác thí nghiệm còn lại, tư vấn độc lập bên thứ 3 sẽ có đánh giá về các nguyên nhân của sự việc xe dịch gối cao su. Sau đó, MAUR và tư vấn NJPT sẽ đưa ra đánh giá, kết luận cuối cùng và có báo cáo cụ thể về nguyên nhân sự việc để đề xuất cho UBND TP.HCM hướng xử lý.
Khối lượng tổng thể của toàn tuyến Metro số 1 đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%. Như kế hoạch đặt ra, Metro số 1 sẽ đi vào hoàn thiện trong quý IV/2021 và khai thác thương mại năm 2022. Tuy nhiên, TP.HCM đưa ra nhiều lý do khiến dự án gặp một số vướng mắc và MAUR xin dời ngày hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án được phê duyệt năm 2007 nhưng đến năm 2012 mới chính thức khởi công.