Phát biểu ý kiến về việc tổng kết Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), đại biểu Bùi Mạnh Khoa – Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thống nhất với việc kéo dài thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Mạnh Khoa cũng chỉ ra một số bất cập về số liệu thống kê tổng thể số tiền thuộc diện nợ xấu. Cụ thể, trong báo cáo đánh giá chưa tách được số dư nợ thuộc diện nợ xấu trên giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng đã thế chấp cầm cố, bảo lãnh tại các TCTD khi xử lý tài sản thu về được bao nhiêu.
Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường hợp tài sản bảo đảm thế chấp hiện trạng không đúng với hợp đồng thế chấp bảo lãnh. Nhiều tài sản hiện hữu không phù hợp với tài sản đã thế chấp như ban đầu, như tăng thêm tài sản hoặc giảm số lượng diện tích đất đai, tài sản là bất động sản chồng lấn với tài sản người thứ ba…
Đối với tài sản đảm bảo là động sản như máy móc, thiết bị y tế… các TCTD thường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định tài sản. Nhiều trường hợp thẩm định tài sản đảm bảo vượt xa giá trị thực tế để được hưởng khoản vay cao hơn, dẫn đến khi xử lý tài sản số tiền thu được lại thấp hơn nhiều so với khoản nợ đã vay. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gia tăng nợ xấu.
Chính vì những yếu tố trên, đại biểu đề nghị phải tách số thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, trong đó cần phân tích giá trị tài sản khi thẩm định cho vay và đến khi xử lý tài sản chỉ thu được bao nhiêu, từ đó mới đánh giá được năng lực quản trị doanh nghiệp của các TCTD trong việc thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, cũng như công tác quản lý tài sản của các TCTD trong quá trình cho vay.
“Để làm được điều này, trước hết cần nâng cao năng lực quản trị của các TCTD, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản đảm bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong quá trình này, có như vậy mới hạn chế được gia tăng các khoản nợ xấu”, đại biểu Khoa kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn Đồng Nai cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 là việc làm cần thiết, nhưng đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá thật kỹ tất cả những tác động thuận - nghịch của cơ chế này.
Bởi lẽ trong bất kỳ một nền kinh tế nào khi dư nợ tăng cao, đe dọa và gây bất ổn đến nền kinh tế thì nhà nước đều phải can thiệp. Quá trình này luôn luôn gắn liền việc cơ cấu lại hệ thống TCTD và đây là một cuộc "thanh lọc" rất gắt gao, kéo theo sự vào cuộc của nhiều tổ chức công quyền như Công an, Tòa án, thi hành án cũng như hệ thống chính quyền các cấp.
Hơn nữa, nếu cơ chế này kéo dài còn tạo ra tâm lý cho các ngân hàng thương mại nếu kinh doanh có lãi, có hiệu quả thì không sao, khi thua lỗ sẽ nhận được sự hỗ trợ. Vì thế, cần có chính sách quy định cho tất cả các TCTD phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, không thể nào trông chờ mãi vào các biện pháp chính của Nhà nước như trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Viết Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian áp dụng quy định Nghị quyết 42 bởi tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2017 – 2021 luôn được duy trì ở mức dưới 2%, trong khi đó mục tiêu đặt ra khi ban hành Nghị quyết là dưới mức 3% và tỷ lệ này tiếp tục được giả trong các năm triển khai Nghị quyết.
Ngoài ra, một kết quả đặc biệt quan trọng khác mà Nghị quyết 42 mang lại là đã tạo nên những thay đổi tích cực trong tư duy vay trả nợ của khách hàng, khách hàng tự giác và hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong trả nợ. Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, có 38,93% số nợ xấu là do khách hàng tự trả cao hơn mức 22,8 % trước khi có Nghị quyết.
Đồng thời, việc quy định gắn trách nhiệm của các cơ quan trong các khâu xử lý nợ xấu đã tạo nên sự thay đổi về cách nhìn, giúp cho các cơ quan có sự đánh giá đầy đủ, đúng bản chất hơn về công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là về các nguyên nhân khách quan dẫn đến nợ xấu phát sinh.
“Với những kết quả tích cực trên Nghị quyết 42 đã trở thành giải pháp mang tính đột phá và thực chất giúp khơi thông nguồn vốn góp phần để các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác xử lý nợ xấu”, đại biểu Hà đánh giá.
Để công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Nguyễn Viết Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi tác nghiệp giữa các cơ quan phục các hạn chế trong triển khai Nghị quyết thời gian qua cũng như đề nghị Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu./.