CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service, SCS) vừa công bố BCTC quý 2/2018 với kết quả tương đối khả quan, trong đó biên lợi nhuận gộp Công ty tăng so với mức đỉnh quý đầu năm, đạt 79,6%.
Cụ thể, quý 2 Công ty đạt 167 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh SCS đạt hơn 133 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 79,6%. Biên lợi nhuận gộp Công ty ghi nhận tăng trưởng nhiều năm gần đây, từ mức 56% trong năm 2013 lên mức 77% trong năm 2017. Đến quý 1/2018, biên lợi nhuận gộp chính thức phá đỉnh 3 năm lên mức 79,2%. Với tổng sản lượng hàng hoá quốc tế và quốc nội thông qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất 5 tháng năm 2018 tăng 10%, cùng giá phí dịch vụ tăng khiến biên lợi nhuận Công ty tiếp tục tăng đến quý 2.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, SSI Research dự báo SCS sẽ tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp khi (1) Chi phí khấu khao và chi phí nhân công chiếm 70% tổng giá vốn của SCS, có xu hướng giảm 8%; (2) Giá phí dịch vụ tăng trung bình 6% trong giai đoạn 2017-2018.
Trở lại với tình hình kinh doanh quý 2, SCS ghi nhận lãi ròng 107 tỷ đồng, tăng 17,5% so với quý 2/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Công ty đạt 314 tỷ, tăng hơn 14% và lợi nhuận sau thuế đạt 198 tỷ, tăng 18% so với nửa đầu năm ngoái. Theo ghi nhận, SCS vừa có thêm 3 khách hàng mới là Airbidge Cargo, Jeju Air và Japan Air. Trong đó, Japan Air được đánh giá là 1 trong những khách hàng lớn chiếm 7% tổng sản lượng hàng hoá quốc tế của SCSC.
Trên bảng cân đối kế toán, trong kỳ Công ty ghi nhận giảm giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn từ 124 tỷ về còn 83 tỷ đồng, đi cùng với đó SCS tăng tiền gửi ngân hàng từ 44 tỷ lên 97 tỷ đồng. Về vay, trong kỳ Công ty đã tất toán các khoản vay dài hạn, trong khi đó dư nợ ngắn hạn tăng đột biến, chủ yếu đến từ khoản phải trả tăng từ 2 tỷ lên gần 162 tỷ đồng.
Về SCS, Công ty hoạt động trên 3 lĩnh vực chính: (1) Khai thác nhà ga hàng hoá - chiếm 92% tổng doanh thu, bao gồm khai thác hàng hoá quốc tế với 28 hảng hàng không khác nhau, trong đó 10 các khách hàng lớn chiếm 50% tổng doanh thu của SCS; hàng hoá quốc nội chủ yếu khai thác hàng hoá của Vietjet air; (2) Cho thuê sân đậu máy bay - chiếm 1% tổng doanh thu, cho ACV thuê trong vòng 10 năm từ 2010, với giá trị thuê 90,42 tỷ đồng; (3) Cho thuê văn phòng, bãi đậu xe - chiếm 6% doanh thu.
Hiện, cổ đông lớn nắm giữ 58%, trong đó cổ đông lớn nhất của SCS là Gemadept sở hữu 32,3% (tương lai Gemadept kế hoạch sẽ nâng sở hữu tại SCS), ACV sở hữu 13,1%. Công ty sửa chữa máy bay A41, sở hữu 12,6% dưới dạng cổ phiếu ưu đãi, thông qua việc góp vốn bằng đất cho SCSC.
Được biết, sau gần 1 năm đăng ký giao dịch trên UpCOM, mới đây SCS đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên Sở GDCK Tp.HCM. Trên UpCOM, giá cổ phiếu SCS liên tục tăng tốt, hiện đang giao dịch tại mức 166.500 đồng/cp.
Đặt kế hoạch cho năm 2018, SCS dự kiến đạt 694 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 466 tỷ đồng và phấn đầu chia cổ tức tỷ lệ 45%. Dự kiến đến năm 2019, Công ty sẽ đầu tư nâng cấp công suất từ 200.000 tấn/năm lên mức 350.000 tấn/ năm với giá trị đầu tư 10 triệu USD. Nguồn vốn sử dụng từ khấu hao, vay và lợi nhuận giữ lại. SSI Research đánh giá đây là lợi thế của SCS so với đối thủ chính là TCS hầu như không có khả năng mở rộng trong tương lai.
Ngoài ra, Công ty định hướng sẽ là đơn vị thứ 2 sau VACS thực hiện đầu tư hoạt động cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 3 triệu suất/ năm. Giá trị đầu tư 5 triệu USD, thực hiện năm 2019. SSI Research dự báo doanh thu đạt 200 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 40 tỷ đồng trong năm 2020.