Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 định hướng hoạt động kinh doanh năm 2019 của Saigon Co.op mới đây, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh, dù thị trường ngày càng khó khăn do cạnh tranh khốc liệt nhưng Saigon Co.op sẽ cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí từng bước giành lại thị phần của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Doanh thu 8 tuần Tết: Đột phá 8.000 tỉ đồng
Trong báo cáo tổng kết, đại diện Saigon Co.op cho hay, vào dịp Tết Kỷ Hợi, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op lập doanh thu kỉ lục từ trước đến nay là 1.000 tỉ đồng mỗi tuần, liên tục trong 8 tuần liên tiếp, tức 8.000 tỉ đồng.
Với việc phát triển thêm 160 điểm bán mới trong năm 2018, đưa Saigon Co.op vượt con số 100 siêu thị Co.opmart, nâng tổng số điểm bán trên cả nước của Saigon Co.op lên hơn 642 điểm, đón hơn 1 triệu lượt khách hàng mỗi ngày, phủ trên 43 tỉnh thành cả nước. Báo cáo chỉ ra, trong 642 điểm bán, bao gồm 104 siêu thị coopmart, 4 đại siêu thị, 313 cửa hàng Co.op Food, 66 Co.op Smile, 3 trung tâm thương mại,130 cửa hàng Saigon Co.op, 20 cửa hàng tiện lợi Cheers, 1 cửa hàng Bến Thành, 1 điểm mua sắm Saigon Co.op Media….
Mục tiêu 1.000 điểm bán, cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu nước ngoài
Tại Hội nghị Tổng kết, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho hay, trong năm 2019, doanh nghiệp sẽ phấn đấu đạt chỉ tiêu 1.000 điểm bán, tức thêm 358 điểm bán mới, trong đó 50% ở Tp.HCM.
Về phân khúc sản phẩm, ông Dũng cũng cho rằng, trong năm 2019 sẽ mở rộng thêm các phân khúc cao finelife và nhận dạng mới cho các nhãn hàng riêng, giá sẽ cao nhưng chất lượng cũng cao cấp hơn.
Đồng thời, kênh phân phối sản phẩm cũng gia tăng, sẽ áp dụng công nghệ thông tin theo kịp với xu hướng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh. Hiện tại đơn vị đang chạy thử nghiệm một số mô hình TMĐT.
Ông Dũng cho rằng, trong năm nay chiến lược của Saigon Co.op là tập trung vào ba lĩnh vực chính: phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp, với định hướng mở rộng hệ thống bán lẻ chủ lực gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers, trung tâm thương mại và phân khúc cao.
“Trong bối cảnh cạnh tranh hết sức khốc liệt, nhiều thương hiệu bán hàng lẻ nước ngoài vào Việt Nam, với tiềm lực tài chính dồi dào, chi phí thấp, chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì hoạt động của Saigon Co.op ngày càng khó khăn hơn. Tuy vậy, chúng tôi ngày đêm trăn trở làm sao để từng bước giành lại thị phần của mình trên thị trường bán lẻ Việt”, ông Dũng nhấn mạnh. Theo vị Chủ tịch này, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh cũng là một cách trong chiến lược giành lại thị phần.
Khó khăn lớn nhất là thiếu tài chính
Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op khẳng định, doanh nghiệp có chiến lược nhưng thiếu nguồn lực. Mà ở đây không phải thiếu nguồn lực con người, tâm huyết hay sự đoàn kết mà thiếu nguồn lực về tài chính. “Một khi đã mong muốn mở rộng kinh doanh, thị trường thì ắt phải có tài chính đi theo”, ông Dũng giãi bày.
“Chúng ta là bán lẻ, nguồn tiền thu vào rồi trả cho nhà cung cấp nên nó luân chuyển rất nhanh, lợi nhuận không bao nhiêu. Thực tế, doanh nghiệp có dòng tiền tích lũy qua thời gian nhưng dể hỗ trợ cho phát triển 1 lúc hơn 300 điểm bán trong năm nay thì nguồn lực tài chính phải rất cần. Ở đâu ra, đó là bài toán lớn cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Saigon Co.op khẳng định.
Tuy vạch ra các khó khăn nhưng ông Diệp Dũng vẫn tự tin cho rằng, Saigon Co.op sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra.
Được biết, chiến lược kinh doanh của đơn vị này trình lên UBND Tp.HCM từ thời điểm 2016 đến nay vẫn chưa được thông qua. Ông Diệp Dũng bày tỏ mong muốn UBND TP thông qua chiến lược này để Saigon Co.op có cơ sở thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.