Ngày 30/01/2023, Masan công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, theo đó doanh thu thuần của WinCommerce (WCM) trong năm 2022 ghi nhận đạt 29.369 tỷ đồng , giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
WinCommerce vận hành nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại có quy mô toàn quốc lớn nhất tại Việt Nam với chuỗi siêu thị WinMart và chuỗi siêu thị mini WinMart+. Tháng 9/2022, WCM đã ra mắt mô hình “Point of Life” với việc đưa 102 cửa hàng WIN đi vào hoạt động. Đây là mô hình bán lẻ đột phá có khả năng đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày tại một địa điểm tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ viễn thông và tài chính.
Ngoài WinMart và WinMart+, WinCommerce cũng sở hữu WinEco - thương hiệu rau quả được phân phối trong các siêu thị của WCM.
Một ông lớn khác là công ty CP Thế giới di động (MWG) trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 cũng tiết lộ, doanh thu của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh là hơn 27.000 tỷ đồng với tổng số 1.728 cửa hàng tính đến cuối năm ngoái.
Cùng ngày 30/01/2023, một ông lớn trong ngành bán lẻ khác là Saigon Co.op cũng đã tiết lộ doanh thu trong chuyến chúc Tết đầu xuân của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đại diện các sở, ban, ngành với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (đơn vị sở hữu Saigon Co.op).
Báo cáo với đoàn lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2022, đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng , vượt 216 tỷ so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ vào doanh số chung của đơn vị.
Ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ: “ Kết quả kinh doanh năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 chứng minh Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ ”.
Hình ảnh Saigon Co.op mart
Với con số công bố như trên của CEO Saigon Co.op, doanh thu hệ thống siêu thị này trong năm 2022 đã giành lại được vị trí dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp nội địa trong ngành như WinMart, WinMart+ của Masan và Bách hóa Xanh của TGDĐ.
Điều này không có gì ngạc nhiên khi Saigon Co.op vốn là “ngôi sao” trên thị trường bán lẻ với các thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và Finelife. Sau 30 năm hoạt động, Saigon Cop.op là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam với 43% thị phần kênh siêu thị xét về doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, sau một số sự cố liên quan đến việc nhiều lãnh đạo cấp cao của nhà bán lẻ này “ngã ngựa” vì các vi phạm nguyên tắc quản trị, điều hành, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, dẫn đến bị khởi tố, bắt tạm giam thì Saigon Co.op cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Còn nhớ năm 2021, doanh thu của Saigon Co.op chỉ đạt 30.671 tỷ, giảm 7,8% so cùng kỳ và chính thức bị WMC vượt qua với doanh thu 30.900 tỷ đồng.
Năm 2022, mặc dù tăng trưởng không quá nhiều so với 2021 nhưng do doanh thu của WMC giảm nên Saigon Co.op lấy lại vị trí dẫn đầu của mình.
Năm 2023, theo lời ông Nguyễn Anh Đức, mục tiêu của Saigon Co.op tăng trưởng 4,5%, nếu mức tăng trưởng này đề cập đến quy mô doanh thu, thì đồng nghĩa với mục tiêu doanh thu năm nay của Saigon Co.op vào khoảng 32.278 tỷ đồng.
Con số này khiêm tốn hơn so với Masan khi họ dự kiến WCM sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
WCM đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng trong năm 2023. Công ty sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn. Ngoài ra, WCM sẽ tập trung mang lại giá trị cho người tiêu dùng thông qua chương trình hội viên WIN và việc phát triển các nhãn hàng riêng, hướng đến phục vụ từ 4-6 triệu thành viên với các dịch vụ vượt trội và ưu đãi độc quyền nhằm gia tăng lưu lượng khách đến cửa hàng.
Doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả hơn?
Hệ số sinh lời trên doanh thu (ROS) là thước đo hiệu quả của doanh nghiệp một cách bài bản nhất. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình mở rộng và đầu tư như WCM hay BHX, họ ưa chuộng đánh giá biên EBITDA hơn. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ gạt bỏ những yếu tố chi phí về đầu tư vốn như lãi vay và khấu hao; chi phí thuế.
Ở WCM, mặc dù có số lượng cửa hàng mới mở đáng kể trong năm qua, công ty vẫn duy trì lợi nhuận bằng cách liên tục cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 22,2% trong quý 1 lên 24,0% trong quý 4/2022, đồng thời giữ mức giá cạnh tranh với thị trường. Có tới 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động so với 45% cửa hàng WinMart+ được mở và hoạt động vào năm 2021 đã đạt hòa vốn EBITDA.
Cũng theo báo cáo, biên EBITDA của WCM năm 2022 ở mức 2,7%, giảm 0,9 điểm % so với năm 2021, còn biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng là 6,5%.
Với Bách Hóa Xanh, biên EBITDA tại cửa hàng đạt mức ổn định 7% đến 8%. Đồng thời trong báo cáo, TGDĐ cho biết, trong năm 2023 BHX sẽ tối ưu chi phí hoạt động qua các chương trình cải thiện chuỗi cung ứng và mua hàng với mục tiêu điểm hòa vốn toàn chuỗi vào cuối Quý 4/2023.
Còn với Saigon Co.op, đây vốn được coi là hệ thống siêu thị "ăn nên làm ra" khi đều đặn kiếm lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng/năm từ năm 2015 đến nay. Đây là con số lợi nhuận đáng mơ ước trong ngành bán lẻ khi cùng giai đoạn đó, Lotte Mart vẫn đang thua lỗ, Aeon Mall lợi nhuận chỉ vài trăm tỷ, Vinmart, Bách Hóa Xanh, vẫn đang đi tìm điểm hòa vốn.