Quá nhanh, quá nguy hiểm
"Từ tháng 5 đến nay, mọi chuyện diễn ra quá nhanh với những đơn vị phải đương đầu, ứng phó và hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn. Còn đối với những doanh nghiệp phải hoàn toàn nghỉ hoạt động, họ đợi quá lâu mới đến được thời điểm ‘giao thừa’ này.
Nhưng cả hai đối tượng nhận định quá lâu hay quá nhanh đều có một cảm nghĩ chung: quá nguy hiểm. Với doanh nghiệp phải hoạt động liên tục như chúng tôi, tất cả những quyết sách – đường hướng đặt ra luôn vào phút chót, có khi đến nửa đêm gà gáy mới đưa ra quyết định giải quyết cho vấn đề của ngày hôm sau. Cảm giác như lúc nào và thời khắc nào cũng có những hiểm nguy đến với mình.
Do phải chạy quá nhanh trong thời gian vừa qua, nên ngành bán lẻ bắt đầu chặn đường mới có sự hụt hơi", Tổng Giám đốc Saigon Coop - Nguyễn Anh Đức chia sẻ trong Open Talk 2: Đâu là "trận cuối" do YBA, IBP, BSSC và S-World tổ chức.
Theo Tổng Giám đốc Saigon Coop, dù được hoạt động trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải tạm dừng, song không hề thu lại nhiều lợi ích như mọi người tưởng tượng. Nếu chỉ bo bo lo cho bản thân cũng như có góc nhìn ngắn hạn, hẳn chuỗi siêu thị của ông đã ‘nghỉ khỏe’.
Mọi người thường bảo: mấy ông bán lẻ như siêu thị lúc nào cũng kinh doanh tốt và có lời. Cái đó đúng ở một vài thị trường hoặc các nước mà bán lẻ hiện đại chiếm tỷ trọng cao trong tổng thương mại của họ, giống các nước phát triển như Singapore và châu Âu, Bắc My. Nên khi thị trường chợ truyền thống đóng thì không ảnh hưởng đến thị trường chung và kênh hiện đại.
Còn ở Việt Nam, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm ¼ tổng thị trường – từ 22% đến 24%. Nên khi các kênh truyền thống – chợ đóng cửa, các kênh bán lẻ hiện đại phải gánh hết nhu cầu tiêu dùng của cả thị trường và khó khăn dồn cả vào khiến các siêu thị. Không những thế, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng còn thay đổi rất nhanh.
Saigon Coop đã kinh doanh xuyên suốt đợt cao trào vừa qua.
Trong thời gian vừa qua, mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao nhất và đây là mặt hàng mà các siêu thị thường bán không có lợi nhuận. Chính vì vậy, các siêu thị càng bán thì càng lỗ. Trong khi đó, môi trường làm việc lại nguy hiểm – các CBCNV của Saigon Coop có thể bị lây nhiễm bệnh dịch bất cứ lúc nào. Có thời điểm, chuỗi này phải đóng cửa 1/4 hệ thống của mình.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động ngày càng cao và họ phải tự gánh chịu; tất cả khiến lãi gộp rất thấp.
"Mỗi chỉ thị ra, chúng ta hiểu khác nhau và phải dừng lại vài nhịp khác nhau để lấy hơi bước tiếp. Điều này tạo nên vài sự nguy hiểm với lá phổi của mình.
Lúc đầu, chúng tôi phải tìm cách đến lấy hàng từ phía các đối tác, vì nếu để họ trực tiếp mang hàng đến các siêu thị như trước đó, có khi lại gãy hết. Giai đoạn sau, hàng hóa tồn kho đã bán hết và không còn hàng để bán nữa, các nhà cung cấp và chúng tôi phải tìm các giải pháp khác chan hòa và đảm bảo rằng: nhịp thở vẫn ở mức thấp, nhưng vẫn thở đều được
Trong khoảng vài tháng vừa qua, có thể nói là chung tôi đã chạy rất gắng sức mới có thể duy trì được hoạt động, chứ không hề thong dong. Bây giờ, chúng tôi vẫn phải giao ban toàn thể công ty hằng ngày, đều chưa từng xảy ra trước đây.
Giao ban hàng ngày cho thấy nhịp điệu thay đổi cực kỳ nhanh: vì có những quyết định hôm nay cho vài ngày tới, chưa kịp thấy tác dụng, đã phải thay đổi vì những dịch chuyển từ Nhà nước hoặc thị trường; mọi thứ luôn phải hay đổi theo nhanh theo cách hiểu chính sách và theo tình hình dịch bệnh thực thế từng khu vực", ông Nguyễn Anh Đức kể tiếp.
Đã có một quãng thời gian dài, chúng ta theo dõi diễn biến dịch bệnh như số lượng F0 và ca tử vong tăng lên bao nhiêu mỗi ngày - mỗi giờ; thì Saigon Coop theo cũng theo dõi thị trường và đưa ra quyết định theo nhịp độ hàng giờ - hàng ngày như thế.
Tổng Giám đốc Saigon Coop - Nguyễn Anh Đức
Tuy nhiên, dù có khó khăn như thế nào, Saigop Coop vẫn phải tiếp tục hoạt động vì trách nhiệm với cộng đồng và một phần là nuôi dưỡng ‘bình oxi’ trong tương lai cho bản thân. Bởi nếu họ quyết định bỏ luôn, thì những cột oxi của họ sẽ không bao giờ tăng lên.
Vậy nên, doanh nghiệp này cho rằng mình phải ‘hy sinh’ rất nhiều thứ, ngoài bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, còn để hỗ trợ nhiều đối tác của họ cũng có thể tiếp tục phát triển và không ‘chết’ trong đại dịch.
Chính sách nhân sự thấu tình đạt lý, cụ thể và linh hoạt
Ngoài ra, một trong những nguyên do nữa khiến Saigon Coop dù ‘gắng sức’ nhưng không bị căng cơ mà vẫn tiếp tục chạy nước rút dù trong lòng căng thẳng; là nhờ chính sách nhân sự chi tiết, cụ thể và công bằng.
Cũng theo tiết lộ từ vị Tổng Giám đốc này, Saigon Coop chưa sa thải ai bởi Covid-19 dù lực lượng của họ có tới 18.000 con người.
Lý do thứ nhất: vì Saigon Coop luôn xem công ty là mái nhà thân yêu của nhiều lao động, nên dù rất khó khăn, ông cùng Ban lãnh đạo vẫn muốn tiếp tục giữ lời hứa đó. Thật ra, cũng có CBCNV của họ đã nghỉ, nhưng vì cá nhân đó muốn tìm những cơ hội và dự định khác.
Lý do thứ hai: theo quan điểm của Ban lãnh đạo, đây được xem như là khóa đào tạo ‘thạc sỹ’ miễn phí dành cho CBCNV của doanh nghiệp. Nếu họ cùng doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn này thì sẽ đóng góp tốt hơn giai đoạn về sau.
"Tuy nhiên, việc cố giữ cho đội ngũ lao động không mất việc làm, không đồng nghĩa với việc chúng ta phải duy trì quỹ lương như trước kia. Nếu làm như thế trong giai đoạn vừa qua là duy ý chí! Theo tôi, việc giảm lương thật sự là biện pháp tốt trong 4 tháng vừa rồi.
Theo tìm hiểu của tôi, bình quân các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cắt giảm quỹ lương khoảng 42%, ở Saigon Coop tỷ lệ thấp hơn, do chúng tôi ưu tiên phân bổ lại để những ‘chiến binh’ chiến đầu trực tiếp có tỷ trọng cao hơn và ngược lại; tạo nên chính sách công bằng nhất có thể.
Cũng phải nói rằng, cho tới giờ này, chúng tôi cảm thấy tự hào vì chưa đâu có những chính sách với nhân viên hợp tình hợp lý, chi tiết và cụ thể như ở Saigon Coop", ông Nguyễn Anh Đức bày tỏ.
Trong đại dịch, nhân viên siêu thị là một nghề nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm cao.
Cụ thể: họ tăng tỷ trọng lương của lao động trực tiếp và giảm của lao động gián tiếp – nhằm khuyến khích nhân viên ‘xung trận’; điều tiết minh bạch, rõ ràng và có kỹ luật giữa người đi làm và không đi làm (ví dụ F1, F2 có những thang lương tương ứng); tăng tỷ trọng cho người đóng góp và giảm người không đóng góp – kể cả WFH cũng có những chỉ tiêu cụ thể để ra sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, còn có thưởng và có trừ.
Cho đến hôm nay, Saigon Coop có tới 1.300 CBCNV là F0 và chuỗi siêu thị này đã xây chính sách cho F0, F1, F2 và cả tứ thân phụ mẫu, vợ chồng con cái.
Vậy nên, trong Covid-19, một bộ phận lớn CBCNV trong Saigon Coop có thu nhập tốt hơn bình thường, bởi những quy định về thưởng và trừ, vận dụng theo luật Lao động. Tuyệt đại đa số người lao động của Saigon Coop rất dễ thương và rất tốt, nhưng cũng có những trường hợp thế này thế kia, họ đều xử lý theo quy định và luật pháp. Tất cả những thứ trên để bảo đảm người đóng góp trực tiếp sẽ có được mức thu nhập tốt hơn.
"Dù thế, theo quan điểm cá nhân của tôi thì trận nào cũng là ‘trận cuối’, hãy coi mỗi ngày là ngày mình cuối cùng mình có thể sống trên cuộc đời. Vài tháng qua là ‘trận cuối’ nhưng không phải là trận cuối cùng, mà Covid-19 vẫn còn dài và rộng, liên lụy nhiều người và nhiều ngành.
Tôi thích câu ‘sau cơn mưa trời lại sáng’, cho có cảm giác lạc quan. Song theo tôi, giai đoạn sau ‘trận cuối’ này, thậm chí nó có những hệ lụy chúng ta chưa lường trước được", Tổng Giám đốc Saigon Coop kết luận.