Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank – mã chứng khoán SGB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận 9 tháng đạt 236 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.
Có được kết quả này, theo ngân hàng, là do Saigonbank kiên định thực hiện chính sách tăng trưởng tín dụng bền vững và nhất là trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Cụ thể, từ đầu năm 2022, thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển kinh doanh sau đại dịch, Saigonbank đã triển khai nhiều chương trình cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với lãi suất ưu đãi. Dư nợ cho vay đến ngày 30/09/2022 đạt 18.926 tỷ đồng, tăng 11% tức tăng 1.904 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 26% tức 3.870 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tiền gửi tại ngày 30/09/2022 đạt 20.931 tỷ đồng, tăng 2% (482 tỷ đồng) so với đầu năm và tăng 13% (2.461 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi đạt 84,30% đáp ứng đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước là tỷ lệ phải thấp hơn 85%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 22,86%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu tối đa 37% của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo tốt về yêu cầu thanh khoản.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Saigonbank ngày 30/9/2022 đạt 15,31%, cao hơn nhiều so với mức 8% mà NHNN yêu cầu tại Thông tư 41 (Basel II).
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối quý 3 ở mức 2,07%, với con số tuyệt đối 391 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, tất cả các nhóm nợ, kể cả nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều có tài sản bảo đảm đầy đủ, đảm bảo thu hồi được tất cả các khoản nợ. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 150%, tương đương với 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng trích lập dự phòng 150 đồng – thuộc nhóm cao trong hệ thống.