Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2018.
Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng sụt giảm nhẹ 0,3% so với đầu năm xuống còn 21.246 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và huy động đều bị âm trong 9 tháng. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,2% xuống còn 13.676 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng giảm 1% xuống 14.703 tỷ đồng.
Cùng với sự sụt giảm tín dụng và huy động, kết quả kinh doanh trong quý 3 của Saigonbank cũng đi xuống. Cụ thể, thu nhập lãi thuần bị giảm 10,5% chỉ đạt 154 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác khả quan hơn: lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 27,7% đạt 12 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 8,6 tỷ, tăng 87%; lãi từ hoạt động khác tăng đột biến hơn 8 lần so với cùng kỳ đạt 25 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank trong quý 3 đạt 91 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phải trích lập dự phòng tới 81 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ trích 18 tỷ) đã khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 10 tỷ, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank chỉ đạt 122 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân một phần do thu nhập lãi thuần bị giảm 4,7% chỉ đạt 482 tỷ và một phần chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 2 lần lên 158 tỷ đồng.
Trong khi tăng trưởng tín dụng âm thì tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này tăng khá mạnh. Nợ xấu tại Saigonbank cuối tháng 9 là 885 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm, chiếm 6,4% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, trong khi đầu năm chỉ ở mức 3%. Nhưng so với cuối tháng 6 thì tỷ lệ nợ xấu đã giảm nhẹ (từ mức 6,48%).
Trước đó khi chia sẻ với chúng tôi tại thời điểm công bố báo cáo kiểm toán bán niên 2018, lãnh đạo Saigonbank cho biết tỷ lệ nợ xấu cao thực chất là kết quả tạm thời của việc Saigonbank đang cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt. Chủ trương của lãnh đạo ngân hàng là tuyệt đối không che giấu nợ xấu và ngân hàng đang tích cực rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ hiện tại, phân loại và hạch toán trung thực phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ để từ đó có giải pháp xử lý.