Sau nhiều năm bị quên lãng, sâm nam núi Dành bắt đầu được đánh thức, trở thành loại cây trồng giúp nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) mang về hàng tỷ đồng/năm.
Mặt trời vừa ló rạng, gia đình ông Thân Hải Đăng ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập (huyện Tân Yên) tất bật đón khách đến tham quan vườn sâm phía sau nhà. Các thành viên trong gia đình ông luôn bận rộn với việc chăm sóc và chế biến sâm. Vườn sâm nhà ông nằm ngay dưới chân núi Dành. Ngày xưa, sâm Nam núi Dành đã nức tiếng gần xa.
Người làng vẫn gọi loại sâm này là “sâm tiến vua”. Người làng lưu truyền câu chuyện rằng, thời vua Tự Đức, mẹ nhà vua (Đức Từ Dụ Hoàng Thái hậu) bị loà mắt. Thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y kỳ tài lúc bấy giờ cứu chữa, song không khỏi bệnh. Lúc đó, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt của mẹ nhà vua sáng lại. Từ đó, sâm núi Dành được ví như kỳ thảo, trở thành vật phẩm tiến vua.
Ông Ðăng chăm sóc vườn sâm dưới chân núi Dành |
Ông Đăng cho biết thêm, nhiều năm trước, sâm Nam núi Dành gần như bị tuyệt chủng. Đến năm 2010, huyền tích về loại sâm này được xới xáo và rồi người ta đã phát hiện trong vườn nhà ông còn có một gốc sâm chừng trên 60 tuổi do bố mẹ ông để lại. “Ông cụ thân sinh ra tôi căn dặn lại rằng, đây là giống sâm quý, sâm tiến vua, con phải giữ gìn”, ông Đăng chia sẻ.
“Sâm Nam núi Dành mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng ở huyện Tân Yên. Chúng tôi quy hoạch vùng trồng sâm này với diện tích khoảng 100 ha; đồng thời hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống và đặc biệt liên kết với doanh nghiệp để chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thế Huy |
Từ năm 2010, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng địa phương, ông Đăng nhân giống và mở rộng diện tích trồng sâm lên 5.000 mét vuông. Sau 5 năm, vườn sâm của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Năm ngoái, với giá bán khoảng 2 triệu đồng/kg, sâm Nam núi Dành mang về cho gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, hiện sâm Nam núi Dành chủ yếu trồng ở xã Liên Chung và Việt Lập, với tổng diện tích khoảng 20 ha. Nơi đây có chất đất phù hợp với loại sâm này. Huyện Tân Yên định hướng sâm Nam núi Dành là một loại cây chủ lực phát triển kinh tế, được trồng thành vùng lớn để xây dựng thương hiệu.
Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam núi Dành thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. |
(Theo Tiền Phong)