Nằm ở chân dốc, không biển quảng cáo, không mời chào và chỉ bán một mặt hàng, đó là nét đặc biệt của “phiên chợ” mà những người chăn nuôi tìm đến để “sắm tết” cho trâu.
Dù đã là ngày cuối cùng của năm, nhưng phiên chợ cỏ vẫn nhộn nhịp bởi ai cũng muốn sắm cho “đầu cơ nghiệp” của gia đình mình được tươm tất trong Tết này.
Trần gian có một thứ nghề
Có cầu ắt sẽ có cung, người chăn nuôi cần cỏ cho gia súc, tất sẽ có người bán cỏ. Chính cung và cầu ấy đã tạo nên một thứ nghề, đó là nghề lấy và bán cỏ. Anh Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho hay: Vào mùa đông, do thời tiết ở vùng cao Bắc Hà khắc nghiệt, rét đậm, rét hại dẫn đến cỏ bị chết. Lo đàn đại gia súc chết đói, nhiều hộ đã xuôi về vùng thấp, thậm chí sang cả các huyện lân cận để lấy cỏ. Không chỉ tìm đủ cỏ cho đàn gia súc của gia đình, họ còn lấy thừa để bán cho những hộ chăn nuôi có nhu cầu. Từ đó, nghề lấy và bán cỏ được hình thành, không chỉ mang lại thu nhập cho nhiều hộ, mà còn góp thêm nét văn hóa rất riêng và độc đáo chỉ có ở mảnh đất này.
Dù không nhớ chính xác nghề lấy và bán cỏ có từ bao giờ, nhưng anh Giang có thể kể từng “làng nghề” trên địa bàn, như Chỉu Cái (xã Na Hối), Cồ Dề Chải (xã Nậm Mòn), Sán Sả Hồ (xã Thải Giàng Phố). Từ gợi mở của anh Giang, tôi có cơ hội được gặp một số người có thâm niên trong nghề lấy và bán cỏ. Bà Vàng Sì Sỉu, dân tộc Phù Lá ở thôn Cồ Dề Chải (xã Nậm Mòn) năm nay 60 tuổi, nhưng có đến 22 năm làm nghề lấy và bán cỏ. Khi nhắc đến thứ nghề chỉ có một ở trần gian, bà Sỉu cười, đồng thời xòe đôi tay thô ráp và nói: “Những vết sẹo chi chít, ngang dọc hai lòng bàn tay do gai, cỏ sắc cứa đứt tạo thành. Mỗi mùa cỏ đi qua, hai lòng bàn tay của tôi thêm nhiều vết sẹo”.
Chỉ tay về phía đỉnh núi sau nhà, bà Sỉu kể: Ngày trước, làng người Phù Lá ở tít trên cao ấy. Đường dốc lắm, không có phương tiện nào khác ngoài đi bộ. Vào mùa đông, trong cái rét cắt da cắt thịt, tôi và một số người trong làng đã dậy từ 4 giờ sáng, nhóm bếp, đồ chín ngô xay để mang đi. Đến 6 giờ, khi sương mù vẫn che kín lối đi, những đôi chân trần bắt đầu xuống núi với hành trang là chiếc liềm cắt cỏ và mèn mén để ăn trưa. Bà Sỉu và một số người cứ lầm lũi đi xuống suối Trung Đô cách nhà vài cây số và men dọc con nước, bởi đó là khu vực có nhiều cỏ. Nói là nhiều cỏ, nhưng chúng không mọc tập trung mà lẫn trong nhiều cây bụi nên phải kiên nhẫn và khéo léo cắt từng cây. Dù có kinh nghiệm, nhưng bà vẫn bị gai cào, cỏ cứa, trời rét buốt càng khiến vết cào thêm đau xót.
Buổi trưa, tranh thủ ăn mèn mén cho tạm quên cái đói, nghỉ vài phút là bà Sỉu và mọi người tỏa đi tìm cỏ. Đến khoảng 4 giờ chiều, mọi người tập kết lại điểm đã hẹn, cùng bó cỏ rồi địu về. Quãng đường về nhà vài cây số thực sự là thử thách, bởi họ mang theo sau bó cỏ nặng 30 - 40 kg, trong khi đường dốc đứng, phải nghỉ không biết bao nhiều lần mới về đến nhà. “Mang được cỏ về nhà dù vất vả nhưng cũng mừng, bởi có ngày chỉ lấy được vài kg cỏ do nhiều người từ nơi khác đến lấy trước”, bà Sỉu tâm sự.
Lấy được cỏ hôm trước, sáng hôm sau, bà Sỉu chất cỏ lên lưng ngựa, người đi trước, ngựa đi sau, vượt quãng đường hơn 10 cây số lên chợ huyện. Bán hết số cỏ lấy được, bà Sỉu có 30.000 - 40.000 đồng, số tiền ấy bà mua muối, mắm phục vụ sinh hoạt của gia đình. Ròng rã từ năm 1998, bàn tay bao nhiêu vết sẹo do gai cào, cỏ cứa là bấy nhiêu thời gian bà Sỉu gắn bó với nghề lấy và bán cỏ. Dù vất vả, nhưng bà Sỉu và những người phụ nữ Phù Lá ở thôn Cồ Dề Chải vẫn hạnh phúc, vì nghề này giúp họ có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
“Vào nghề” mấy năm gần đây, Ma Seo Sử ở thôn Sán Sả Hồ (xã Thải Giàng Phố) ngày càng yêu thích nghề lấy và bán cỏ chợ tết. Anh Sử chia sẻ: Làm nghề này tuy vất vả, nhưng mình có sức khỏe, lại không phải đầu tư nhiều nên tranh thủ làm để có tiền sắm tết.
Nắm được nhu cầu của người chăn nuôi, từ 25 tháng Chạp, thời điểm khan hiếm cỏ, anh Sử cùng vợ, nay leo đồi này, mai trèo đồi khác để cắt cỏ. Nhờ trẻ, khỏe và khu vực lấy cỏ không có nhiều người biết nên một ngày anh lấy được hơn 100 kg cỏ. “Cái khó nhất là phải lấy được cỏ non, giữ cho cỏ tươi, không bị dập nát, vì thế mình phải chọn kỹ trước khi cắt, bó cỏ và vận chuyển cẩn thận”, anh Sử bộc bạch.
Mỗi phiên chợ cỏ, anh Sử bỏ túi hơn trăm nghìn đồng. Với anh, đó là nguồn thu quan trọng trong những ngày đông giá rét.
Chợ trâu vùng cao. |
“Sắm tết” cho trâu
Bà Vàng Sì Sỉu ở thôn Cồ Dề Chải (xã Nậm Mòn) đã có 22 năm bán cỏ tại phiên chợ cỏ tết. Theo lời bà Sỉu, từ ngày 25 tháng Chạp, chợ cỏ bắt đầu họp và đông nhất vào ngày 29 - 30 Tết. Chợ họp ngay dưới chân dốc tuyến đường từ thị trấn Bắc Hà đi xã Na Hối. Anh Sền Văn Dũng, thôn Na Áng B (xã Na Hối) cho biết: Theo phong tục của địa phương, trong 3 ngày tết Nguyên đán, các vật dụng sinh hoạt hằng ngày sẽ được “nghỉ”, đặc biệt không được sử dụng dao, do vậy không thể đi cắt cỏ, thái cỏ cho gia súc, vì thế, nhà nào cũng phải “sắm” nhiều cỏ, đủ cho trâu ăn trong 3 ngày Tết.
Với người vùng cao Bắc Hà, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp. Anh Vàng Văn Chanh ở thôn Na Áng B (xã Na Hối) cho biết: Gia đình tôi lo “sắm tết” cho trâu còn hơn lo tết cho chính mình, bởi toàn bộ tài sản đều ở đàn trâu. Cho nên, muốn đi chơi tết thì phải lo đủ cỏ và thức ăn cho trâu.
Đến ngày 29 - 30 Tết, anh Dũng, anh Chanh và hàng trăm hộ nuôi trâu vỗ béo ở các xã Na Hối, Tà Chải, Bản Phố đều vội vã có mặt tại chợ cỏ tết từ rất sớm. Anh Dũng tâm sự: Có lần, 8 giờ có mặt tại chợ cỏ tết, những tưởng mình đi sớm nhưng ra đến nơi không còn cỏ, đành phải đi xe ra tận Thái Niên (Bảo Thắng) lấy cỏ cho trâu. Rút kinh nghiệm, vài năm gần đây, mình “thường trực” tại chợ, có xe cỏ đến là mua luôn. Có cỏ mua đã khó, nhưng để chọn được cỏ ưng ý càng khó hơn và không phải ai cũng biết. Thông thường có 2 loại cỏ được bán tại chợ, đó là cỏ chít, cỏ lông, ngoài ra còn có ngọn mía, tuy nhiên nhiều nhất là cỏ lông do loại cỏ này dễ tìm và dễ lấy. Do mua cỏ để tích trữ trong 3 ngày Tết nên người mua phải “tinh mắt”. Không lấy cỏ quá non vì để lâu dễ bị úa; cũng không lấy cỏ quá già vì sẽ bị khô, cứng, trâu sẽ không ăn, tốt nhất là lấy cỏ bánh tẻ.
Điều thú vị và nhân văn ở phiên chợ cỏ tết đó chính là không có tranh giành, chen lấn giữa những người đi “sắm tết” cho trâu. Người nào đến trước thì mua trước, thậm chí người mua được nhiều cỏ còn san sẻ cho những người không mua được. “Có ngày, mình may mắn mua được vài tạ cỏ, nhưng sẵn sàng chia sẻ với những người không mua được, bởi đều là người chăn nuôi và hiểu ai cũng rất cần cỏ cho gia súc trong những ngày này”, anh Dũng cho biết.
Giá cỏ biến động theo thị trường, bình thường từ 40.000 đến 50.000 đồng/bó, lúc khan hiếm lên tới 70.000 - 80.000 đồng/bó, nhưng người mua cũng không bao giờ mặc cả bởi họ đều mong muốn “sắm tết” đủ đầy cho đầu cơ nghiệp.
Sau rằm tháng Giêng, đến phiên chợ xuân đầu tiên của năm mới, những chú trâu được “ăn tết” no đủ, béo núc được người chăn nuôi mang ra bán với giá hàng chục triệu đồng. Với họ, đó là thành quả xứng đáng của sự nỗ lực chăm sóc, “lo tết” từ thức ăn đến giữ ấm cho trâu. Đây cũng là lộc xuân dành cho người chăn nuôi ở vùng cao Bắc Hà.
(Theo Báo Lào Cai)