Trong báo cáo mới đây về điểm sáng kinh tế Việt Nam 2022 của Đại học RMIT, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị và chương trình MBA, TS. Burkhard Schrage nhận định, Việt Nam đã nổi lên là một nền kinh tế mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn trong năm 2022, trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức.
Bài viết đánh giá, Việt Nam không chỉ tăng trưởng tốt trong đại dịch COVID-19 mà còn vượt trội so với các nước khác trong khu vực vào năm 2022. Xét theo GDP, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,8% trong 9 tháng đầu năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thậm chí còn tăng tốc trong suốt năm 2022, với đỉnh điểm là 13,7% trong quý 3/2022. Kết quả này củng cố vị thế hàng đầu của Việt Nam ở châu Á trong 12 tháng qua
Nguồn: RMIT
Nhìn chung, phần lớn tăng trưởng kinh tế là nhờ chi tiêu của hộ gia đình và chính phủ tăng. Tiêu dùng hộ gia đình tăng, báo hiệu niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng trong suốt cả năm. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra biện pháp kích thích kinh tế phù hợp lấy cảm hứng từ học thuyết Keynes, cụ thể là gia tăng chi tiêu công để đẩy mạnh cung cấp việc làm và đảm bảo thu nhập trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Việt Nam đang chiếm được một phần ngày càng lớn trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu
Về tình hình thu hút đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thu hút 25,1 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng đầu năm 2022 (giảm 5% so với năm trước).
Tuy nhiên, TS. Burkhard Schrage cho biết, một điều thú vị là tỷ lệ FDI dành cho các hoạt động công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao lại tăng. TS. Burkhard Schrage khẳng định, loại hình sản xuất này sẽ là động lực chính để Việt Nam tăng trưởng kinh tế - xã hội trong những thập kỷ tới.
Không chỉ thu hút đầu tư vào những ngành sản xuất thâm dụng lao động và đơn giản, năm 2022 Việt Nam đã đón nhận những cam kết mạnh mẽ từ các nhà cung cấp của Samsung và Apple, thể hiện niềm tin ngày càng lớn vào khả năng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu và thực hiện quản trị tốt xuyên suốt chuỗi cung ứng của các đối tác Việt Nam.
Một ví dụ điển hình cho sự dịch chuyển từ đầu tư vì sức lao động sang đầu tư vì kỹ năng là việc Foxconn – nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn nhất và lâu đời nhất của Apple – đã thông báo đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở Bắc Giang. Tại đây, Foxconn dự kiến sẽ lắp ráp các sản phẩm MacBook.
Việc sản xuất những chiếc máy tính xách tay này đòi hỏi chuỗi cung ứng phức tạp hơn, công nhân sản xuất cần được đào tạo tốt hơn và máy móc cần có độ chính xác cao hơn so với việc sản xuất tai nghe của Apple (bắt đầu từ năm 2020 cũng ở tỉnh Bắc Giang).
Không chỉ có Foxconn, mới đây, Samsung Việt Nam đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Với quy mô đầu tư 220 triệu USD, đây là trung tâm lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Roh Tae Moon - Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung được kỳ vọng sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin ưu tú nhất Việt Nam và là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới.
“ Nhiều nhà quan sát nhận xét rằng FDI vào các dự án sản xuất phức hợp hoặc nghiên cứu và phát triển (R&D) là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang chiếm được một phần ngày càng lớn trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu ”, TS. Burkhard Schrage cho hay.
"Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam'' - vị này nhận định.
“Chắc chắn, những nhà đầu tư này sẽ mang lại tiền và tạo việc làm cho Việt Nam. Ngoài ra, một số nghiên cứu học thuật cũng chỉ ra rằng các hoạt động đầu tư này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế”, TS. Burkhard Schrage nhấn mạnh.
Ví dụ, lực lượng lao động và nhân sự quản lý tại các doanh nghiệp này sẽ được đào tạo theo các thông lệ tốt nhất toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài thường thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trở nên năng suất hơn nhờ áp lực cạnh tranh và hiệu quả tăng.
Ngoài ra, TS. Burkhard Schrage cho rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ học hỏi từ những điển hình tốt về tăng cường tính minh bạch, đẩy mạnh chất lượng quản trị công ty và “trách nhiệm công dân” của doanh nghiệp (trách nhiệm với xã hội, văn hóa, môi trường xung quanh), cũng như các phương pháp sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn.